Đây được xem là một bước đi quan trọng, đánh dấu sự hội nhập sâu hơn của Brazil vào thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Bộ trưởng Silveira khẳng định việc gia nhập OPEC+ không làm ảnh hưởng đến cam kết môi trường của Brazil, dù nước này là chủ nhà của Hội nghị COP30 về biến đổi khí hậu vào tháng 11 tới.
Brazil hiện là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 7 thế giới, với sản lượng 4,3 triệu thùng/ngày, chiếm 4% sản lượng toàn cầu.

Năm 2024, dầu thô là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này, đạt giá trị 44,8 tỷ USD, chiếm 13,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, vượt qua cả đậu tương.
Brazil cũng sẽ là quốc gia đầu tiên tham gia Hiến chương Hợp tác OPEC, một diễn đàn đối thoại dành cho các nước OPEC và OPEC+.
Chính phủ nước này công bố quyết định gia nhập Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), cho thấy chiến lược phát triển cân bằng giữa năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo.
Trong khi Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva cam kết bảo vệ môi trường và giảm nạn phá rừng ở Amazon, ông cũng nhấn mạnh rằng nguồn thu từ dầu mỏ sẽ giúp Brazil chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Gần đây, chính phủ nước này đã vận động cơ quan môi trường chấp thuận khoan thăm dò dầu khí gần cửa sông Amazon, một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất thế giới.
Việc Brazil gia nhập OPEC+ có thể ảnh hưởng đáng kể đến cán cân cung - cầu dầu mỏ toàn cầu, đồng thời đặt ra những thách thức trong việc cân bằng lợi ích kinh tế và cam kết môi trường.
Vào đầu tháng này Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, đã quyết định không thay đổi kế hoạch sản lượng hiện nay, trong bối cảnh liên minh này đang đối mặt với sức ép từ Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu hạ giá dầu bằng cách tăng sản lượng.