Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cẩn trọng chiêu trò lừa đảo trong ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới 11/11

(VOH) - Ngày Độc thân 11/11 được xem là sự kiện mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới, với doanh thu lên đến hàng chục tỷ USD. Do đó, đây cũng là miếng mồi ngon cho những thủ đoạn lừa đảo người dùng.

Sự kiện mua sắm nhân Ngày Độc thân năm nay được dự báo sẽ tiếp tục xô đổ mọi kỷ lục ở các năm trước tại các nước châu Á, khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên sẽ có thêm nhiều người chọn ở nhà nghỉ ngơi, mua sắm thay vì đi du lịch như mọi năm.

Đây cũng được xem miếng bánh khổng lồ cho những kẻ chuyên lừa đảo, khi qua các năm ngày càng có thêm nhiều chiêu trò nhằm vào người tiêu dùng, từ việc tạo ứng dụng giả mạo cho đến tung tin đồn thất thiệt hòng trục lợi. Thực tế cho thấy, đã có nhiều người dùng Trung Quốc dính bẫy và mất hàng chục ngàn USD cho những sự việc như thế này.

Đủ mọi chiêu trò lừa đảo

Giới chức tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc như An Huy, Giang Tô và Tứ Xuyên đã ban hành các cảnh báo trên nền tảng mạng xã hội Weibo về các cuộc gọi giả mạo có nội dung khuyến mãi hoàn tiền khi mua sắm. Cụ thể, nạn nhân sẽ nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên dịch vụ khách hàng ở một trang thương mại điện tử nào đó, thông báo rằng đơn hàng gần đây mà nạn nhân đặt mua đã hết hàng hoặc bị hư hỏng, và yêu cầu bồi thường với giá trị cao hơn giá trị mua hàng ban đầu.

Sau đó, nạn nhân sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về tài khoản ngân hàng để thực hiện hoàn tiền. Cảnh sát Trung Quốc cho biết đã nhận được tin báo về nhiều trường hợp tương tự trong vào tuần trước khi sự kiện Ngày Độc thân chính thức diễn ra.

Một phụ nữ ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc khai báo tài khoản ngân hàng của mình đã mất tổng cộng đến 200.000 Nhân dân tệ (khoảng 30.000 USD) sau khi tin rằng mình sẽ được hoàn lại số tiền là 200 Nhân dân tệ cho đơn hàng quần áo đã đặt mua trên sàn thương mại điện tử Taobao. Người phụ nữ này đã chuyển tiền nhiều lần cho những kẻ lừa đảo sau khi được thông báo rằng đã xảy ra lỗi trên hệ thống giao dịch, và cần phải thanh toán để mở khóa tài khoản mua sắm của mình.

Cẩn trọng chiêu trò lừa đảo trong ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới 11/11
Sự kiện mua sắm trực tuyến Ngày Độc thân 11/11 hàng năm do Alibaba phát triển từ năm 2009. Ngày nay sự kiện này đã lan tỏa ra nhiều nước châu Á với doanh thu hàng năm lên đến hàng chục tỷ USD. Ảnh: Reuters

Lừa đảo mua sắm trực tuyến: Chuyện không mới nhưng không hề cũ

Thực tế, chiêu thức “hoàn tiền giả mạo” này đã tồn tại nhiều năm qua, với nhiều biến thể khác nhau và vẫn lừa được rất nhiều người dùng cả tin.

Năm 2018, những kẻ lừa đảo đóng vai nhân viên dịch vụ khách hàng đã thông báo đến người dùng rằng sẽ được hoàn tiền vì quần áo họ mua bị hư hỏng bởi hóa chất formaldehyde. Một phụ nữ ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô đã mất đến 44.000 Nhân dân tệ (khoảng 7.000 USD) bởi chiêu trò này, sau khi cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng và quét mã QR được gửi từ những kẻ lừa đảo.

Còn trong năm ngoái, thủ đoạn lừa đảo bằng hóa chất formaldehyde lại một lần nữa được sử dụng, tuy nhiên lần này đối tượng được nhắm đến là các bà mẹ bỉm sữa, khi tin rằng có thể các loại tã mà em bé của mình đang sử dụng có chứa loại hóa chất độc hại này.

Ngoài ra, một số chiêu thức lừa đảo khác đến từ việc tạo dựng các website, ứng dụng mua sắm giả mạo, có vẻ ngoài và các chức năng giống tương tự như các sàn thương mại điện tử nổi tiếng. Khi người dùng bấm chọn thực hiện giao dịch trên những ứng dụng giả mạo này, vô tình họ cũng đã cung cấp thông tin cá nhân như số điện thoại và cả thông tin chi tiết về tài khoản ngân hàng của mình.

Theo báo cáo năm 2018 của cơ quan an ninh mạng Trung Quốc, trong tháng 11 có đến gần 4.000 ứng dụng mua sắm giả mạo được tải xuống hơn 300.000 thiết bị di động nước này. Báo cáo cũng chỉ ra các hình thức gian lận liên quan đến việc giao nhận hàng hóa thanh toán khi nhận hàng (cash on delivery - COD), trong đó yêu cầu người nhận phải thanh toán tiền trước khi nhận và không được kiểm tra hàng.

Cẩn trọng chiêu trò lừa đảo trong ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới 11/11
Khối lượng hàng hóa khổng lồ bán ra trong sự kiện Ngày Độc thân 11/11 năm nay dự báo phải cần đến 4.000 chuyến bay và tàu chở hàng vận chuyển, với khoảng 3 triệu nhân viên làm việc mới đủ đáp ứng nhu cầu. Ảnh: BBC

Vì sao lừa đảo nhiều đến vậy trong Ngày Độc thân?

Ngày Độc thân 11/11 hàng năm là sự kiện mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới, trong đó đa số doanh thu khủng thuộc về gã khổng lồ bán lẻ Trung Quốc Alibaba.

Năm ngoái, tổng doanh thu chỉ tính riêng ở nội địa Trung Quốc trong sự kiện mua sắm Ngày Độc thân đã lên đến 31 tỷ USD, gấp đôi so với sự kiện tương tự ở Mỹ là Black Friday và Cyber Monday cộng lại.

Năm nay, Alibaba cũng được cho là sẽ tiếp tục xô đổ kỷ lục của mình chỉ trong một thời gian ngắn ngay khi sự kiện chính thức diễn ra.

Theo dữ liệu của công ty bảo mật Kaspersky, số lượng giao dịch khổng lồ trong sự kiện Ngày Độc thân là miếng mồi ngon cho những kẻ lừa đảo, và thực tế cho thấy các hoạt động gian lận thương mại ở các nước châu Á đã gia tăng đáng kể trong dịp này.

Cẩn trọng chiêu trò lừa đảo trong ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới 11/11
Nhân viên đang sắp xếp hàng hóa chuẩn bị vận chuyển đến tay người dùng dịp mua sắm Ngày Độc thân 11/11. Ảnh: Reuters

Ông Yeo Siang Tiong, Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á của Kaspersky, cho biết các nạn nhân thường trở thành con mồi của những trò gian lận trong Ngày Độc thân vì họ thường phấn khích khi mua được món hàng mình yêu thích với giá hời, từ đó dễ bị “kích động” tâm lý mong muốn sở hữu càng nhiều món đồ với giá tốt nhất, dễ bỏ qua các nghi ngại về vấn đề an toàn cho chính mình. Ông Yeo cũng nhận định, ngày nay các chiêu thức lừa đảo cũng trở nên vô cùng tinh vi, thuyết phục, khiến người tiêu dùng khó mà phân biệt được thật giả nếu không thật sự tỉnh táo trước “ma trận” thông tin khuyến mãi.

Ngày Độc thân (Singles' Day) có nguồn gốc từ Trung Quốc, diễn ra vào ngày 11/11 hàng năm, ban đầu mang ý nghĩa nhằm tôn vinh những người chưa tìm được ý trung nhân hoặc thích cuộc sống một mình. Ngày nay, khi Ngày Độc thân lan tỏa mạnh mẽ ra nhiều nước châu Á như Singapore, Thái Lan, Philippines và cả Việt Nam, nhiều người trẻ đã chọn dịp này để du lịch, vui chơi cùng bạn bè hoặc mua sắm thỏa thích tự thưởng cho bản thân, tận hưởng cuộc sống.

Từ năm 2009, Single's Day đã được Jack Ma chọn để phát triển thành ngày hội dành riêng cho mua sắm trực tuyến mà ở đó tất cả hàng hóa đều được siêu giảm giá, siêu khuyến mãi nhằm kích thích nhu cầu mua sắm của người dùng, tương tự như các lễ hội mua sắm Black Friday hay Cyber Monday của Mỹ. Sau 10 năm, Singles' Day nay đã trở thành ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất hành tinh.

Người tiêu dùng cần làm gì để bảo vệ mình?

Để tránh tối đa việc trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo, người dùng cần hết sức tỉnh táo, không bao giờ cung cấp các thông tin cá nhân nhạy cảm của mình như tài khoản ngân hàng qua các cuộc gọi hoặc email đáng ngờ. Các sàn thương mại điện tử lớn thông thương đều đã lưu trữ thông tin của khách hàng trên hệ thống, do đó bất kỳ việc hoàn tiền hay chi trả gì đều có thể được xử lý tự động.

Các chiêu thức lừa đảo thường thông báo cho bạn mức hoàn tiền có giá trị lớn hơn giá trị mua hàng ban đầu, điều này hiếm khi xảy ra trên thực tế và chủ yếu nhằm vào lòng tham của con người.

Còn đối với môi trường internet, ông Yeo từ Kaspersky khuyên rằng hãy kiểm tra ít nhất hai lần đối với trang web lạ mà bạn được chuyển hướng đến - thay vì trang web mua hàng như ban đầu, và tốt nhất hãy kết nối trực tiếp đến trang bán hàng thông qua các website uy tín.  

Bình luận