Châu Á hứng chịu nắng nóng kỷ lục đầu tháng 4, nhiệt độ vượt 46 độ C

VOH - Hàng loạt quốc gia châu Á trải qua đợt nắng nóng gay gắt trong hai tuần đầu tháng 4, với mức nhiệt vượt ngưỡng 46 độ C, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân.

Theo kênh AAJ, Cục Khí tượng Pakistan ngày 14/4 phát cảnh báo nắng nóng bao trùm trên diện rộng, đặc biệt tại tỉnh Sindh, nơi một số khu vực ghi nhận mức nhiệt lên tới 46 độ C.

Nhiệt độ trung bình tại các khu vực khác cũng dao động từ 36 đến 44 độ C, gây ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân.

nắng nóng minh họa Xinhua
Ảnh minh họa: Xinhua

Tại Ấn Độ, Cục Khí tượng nước này (IMD) cảnh báo bang Telangana ghi nhận mức nhiệt từ 42 đến 43 độ C tại 7 quận và hơn 40 độ C tại 16 quận khác.

TP Barmer, bang Rajasthan lập kỷ lục mới với mức nhiệt 46,4 độ C vào ngày 8/4, vượt 6 độ C so với mức tối đa trung bình tháng 4.

New Delhi và Jaipur cũng lần lượt vượt mốc 40-43 độ C, bất chấp thời điểm đầu hè, khiến IMD phải cảnh báo toàn Ấn Độ sẽ đối mặt mùa hè khắc nghiệt kéo dài.

Tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), ngày 13/4 ghi nhận mức nhiệt trên 45 độ C ở các khu vực ven biển, trong khi nội địa dao động từ 41-46 độ C, kèm theo độ ẩm cao khiến cảm giác oi bức càng trầm trọng.

Philippines ngày 14/4 phát cảnh báo nhiệt độ màu cam và đỏ tại nhiều khu vực. Hai tỉnh Isabela và Batangas được xếp loại nguy hiểm với mức nhiệt 42-43 độ C.

Thái Lan, trong dịp lễ hội Songkran từ ngày 14 đến 16/4, cũng đối mặt cùng lúc với nắng nóng, mưa đá và bão mùa hè, đặc biệt tại khu vực miền Bắc, Đông Bắc và đồng bằng miền Trung.

Cục Khí tượng Thái Lan cho biết hệ thống áp cao từ Trung Quốc sẽ khiến thời tiết tiếp tục nóng hơn sau ngày 15-16/4.

Tại Myanmar, quốc gia vừa trải qua thảm họa động đất, nắng nóng từ đầu tháng 3 đã khiến nhiều nơi ghi nhận 40-43 độ C, gây hạn hán nghiêm trọng do lượng mưa thấp và nền nhiệt cao kéo dài.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2025, nhiều khu vực trên thế giới sẽ ghi nhận nhiệt độ cao hơn bình thường, đặc biệt tại châu Phi, châu Á, châu Mỹ và cả châu Âu.

Trong khu vực châu Á, bán đảo Ả Rập, Đông Á, tiểu lục địa Ấn Độ và Đông Nam Á đều nằm trong nhóm có nguy cơ cao đối mặt với biến đổi khí hậu cực đoan liên quan đến nhiệt độ.

Bình luận