Với mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên giảm hơn 7% trong năm 2023 so với năm 2022, châu Âu có những bước tiến đáng kể trong việc giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, điện gió và điện mặt trời vượt qua nhiên liệu hóa thạch, chiếm khoảng một phần ba sản lượng điện của EU đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược chuyển đổi năng lượng của khu vực.
Một dấu ấn đáng chú ý trong tháng này là việc các quốc gia vùng Baltic như Estonia, Latvia và Litva hoàn thành việc chuyển đổi từ lưới điện của Nga sang hệ thống của EU.
Đây là bước đi thể hiện rõ cam kết của các quốc gia này trong việc rời xa ảnh hưởng của Nga và tiến đến một kỷ nguyên tự do mới, như lời của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, tại Vilnius.
Mặc dù đạt được những thành tựu trong việc giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống, EU vẫn phải đối mặt với thách thức lớn từ chi phí năng lượng cao hơn so với Mỹ và Trung Quốc, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và tham vọng chuyển đổi xanh của khu vực.

Trong năm 2023, giá điện công nghiệp tại EU vẫn cao đạt khoảng 186,7 euro/MWh, gấp đôi so với mức 75,5 USD tại Mỹ và cao hơn so với mức 88 euro tại Trung Quốc. Mặc dù giá điện có sự chênh lệch lớn giữa các quốc gia thành viên EU, chi phí năng lượng cao vẫn là yếu tố tạo ra sức ép lên nền kinh tế châu Âu.
Các ngành công nghiệp như thép, xi măng và hóa chất đang kêu gọi kéo dài thời gian miễn thuế carbon, trong khi các quốc gia như Pháp và Tây Ban Nha yêu cầu các quy định khí hậu nghiêm ngặt hơn, dẫn đến sự chia rẽ trong nội bộ EU.
Châu Âu cũng đang tiến hành nhiều sáng kiến để giảm chi phí năng lượng, bao gồm việc tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo. Tập đoàn ERG của Italy nhận khoản vay 243 triệu euro từ Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) để phát triển các dự án điện gió và điện mặt trời tại các quốc gia như Italy, Pháp và Đức.
Địa nhiệt cũng đang nổi lên như một giải pháp tiềm năng cho châu Âu, với tiềm năng cung cấp hơn 75% nhu cầu sưởi ấm và làm mát vào năm 2040.
Mặc dù đã giảm mạnh nhập khẩu khí đốt từ Nga qua đường ống, EU vẫn tiếp tục nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG), đặc biệt là từ Mỹ, với gần 50% tổng lượng nhập khẩu khí đốt vào năm 2023. Đức, nền kinh tế lớn nhất EU cũng tăng cường khả năng nhập khẩu LNG để bảo đảm an ninh năng lượng.
Đầu tư vào năng lượng tái tạo của EU đang có dấu hiệu giảm sút. Năm 2023, EU chỉ đầu tư khoảng 110 tỷ euro vào năng lượng tái tạo, giảm 6,5% so với năm trước. Trong khi đó, Trung Quốc chi khoảng 4,5% GDP cho năng lượng xanh, gấp đôi mức 2% GDP của EU.
Để giải quyết vấn đề chi phí năng lượng cao, EU cần tiến hành cải cách từ cả góc độ vi mô và vĩ mô. Một trong những mục tiêu quan trọng là hội nhập thị trường điện EU, giúp tối ưu hóa việc phân phối năng lượng tái tạo giữa các khu vực, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đắt đỏ và hạn chế biến động giá.
Nghiên cứu chỉ ra rằng nếu thị trường điện EU được hội nhập hoàn chỉnh, khu vực này có thể tiết kiệm khoảng 40 tỷ euro mỗi năm vào năm 2030.