Tiêu điểm: Nhân Humanity

Châu Phi không tìm được sự ủng hộ từ Liên Hợp Quốc cho việc thay đổi đặc phái viên về Libya

(VOH) – Các nước châu Phi thuộc Hội đồng Bảo an đã không thành công trong đề xuất thay thế đặc phái viên Liên Hợp Quốc hiện tại bằng một đại diện chung cho cả Liên minh châu Phi và Liên Hợp Quốc.

Ngày 16/10, các quốc gia châu Phi thành viên Hội đồng Bảo an đã thất bại trong việc cố gắng đề xuất cử một đặc phái viên đại diện chung cho Liên minh châu Phi (AU) – Liên Hợp Quốc thay thế cho đặc phái viên Liên Hợp Quốc hiện tại là Ghassan Salame.

Các quốc gia đề xuất là Nam Phi, Bờ Biển Ngà và Guinea Xích đạo.

Hiện trường một vụ tấn công tại Libya. Ảnh: AFP

Hai quyết định của cả Ủy ban Cấp cao AU về Libya ngày 8/7 và mới đây là quyết định của Hội đồng Hòa bình và An ninh AU ngày 27/9 vừa rồi tại New York đã đánh dấu sự thất bại của cả ba quốc gia này khi cố gắng kêu gọi thay đổi vị trí đặc phái viên.

Các nhà ngoại giao cho biết các đại diện châu Phi nêu vấn đề trong các cuộc tham vấn kín hôm thứ Tư, nhưng không có sự hỗ trợ nào trong hội đồng 15 thành viên, với một số thành viên nói rằng đây không phải là lúc để "đổi ngựa giữa dòng".

Một cuộc nội chiến đã bắt đầu tại Libya từ 2011 nhằm chống lại nhà độc tài Moammar Gadhafi, người sau đó đã bị giết.

Trong sự hỗn loạn ngay sau cái chết của Gadhafi, đất nước này bị chia cắt. Chính quyền mới được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn yếu ớt đóng ở Tripoli quản lý phía Tây và một chính quyền đối lập ở phía Đông theo phe của lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Hifter lãnh đạo.

Hifter đã tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ ngày 4/4 để chiếm lại thủ đô Tripoli bất chấp các thỏa thận kêu gọi tham gia một hội nghị quốc gia vài tuần sau đó nhằm hướng tới thành lập một chính quyền chung.

Lực lượng của LNA hiện đang là lực lượng mạnh nhất và trang bị tối tân nhất trong số các lực lượng vũ trang tại Libya và được sự hỗ trợ từ Ai Cập, UAE và Nga. Nhưng lực lượng này vẫn đang phải chiến đấu với chính phủ được Liên Hợp Quốc công nhận có sự hậu thuẫn từ Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar.

Đặc phái viên Salame vừa thông báo đến hội đồng tháng trước rằng ông đã tung một “chiến dịch cấp độ mạnh” chuẩn bị cho một hội nghị quốc tế để chuyển thông điệp kêu gọi chấm dứt cuộc tấn công của Hifter. Cuộc họp này sẽ diễn ra trong tháng 10 tại Berlin.

Về việc đề xuất của ba quốc gia bị bác bỏ, các nhà ngoại giao tại cuộc họp kín tiết lộ rằng hội đồng nói họ cần tập trung vào việc thực thi kế hoạch của Salame và cuộc họp ở Berlin.

Theo các nhà ngoại giao, các thành viên cho biết Hội đồng Bảo an sẽ làm việc chặt chẽ với AU, và họ sẽ suy nghĩ về phái viên chung trong tương lai.

Bình luận