Tiêu điểm: Nhân Humanity

CHDC Congo công bố đã đẩy lùi được dịch Ebola lớn thứ hai trong lịch sử

(VOH) - Đợt bùng phát dịch Ebola lớn thứ hai trong lịch sử Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo đã kết thúc sau gần 2 năm hoành hành tại nước này với hơn 2.200 người tử vong.

Đây là thông tin chính thức được chính quyền CHDC Congo xác nhận vào ngày 25/6, mặc dù vẫn còn một vài ý kiến cho rằng mầm mống gây bệnh Ebola vẫn còn tiềm ẩn đâu đó trong cộng đồng.

CHDC Congo vốn là điểm nóng của dịch bệnh Ebola trên toàn thế giới. Quốc gia này dù đã có vắc-xin hiệu quả phòng bệnh và phương pháp điều trị thích hợp giúp gia tăng đáng kể tỷ lệ cứu sống bệnh nhân nếu được phát hiện sớm, tuy nhiên dịch Ebola vẫn bùng phát trên diện rộng tại khu vực biên giới phía đông Congo.

Sau đó, đã có thêm một đợt lây nhiễm quy mô lớn bệnh Ebola tiếp tục được chính quyền Congo công bố vào ngày 1/6 vừa qua, và lần này tâm dịch nằm tại thành phố Mbandaka ở phía tây, cách tâm dịch cũ hơn 1.000km.

Kết quả của các nghiên cứu xét nghiệm và giải mã bộ gen mang mầm bệnh ở cả hai lần bùng phát cho thấy virus gây bệnh tại hai nơi không liên quan đến nhau.

Congo công bố dịch Ebola lớn thứ hai trong lịch sử đã kết thúc

Một nhân viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang kiểm tra vắc-xin sử dụng trong chiến dịch đẩy lùi dịch Ebola tại CHDC Congo vào năm 2018. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Y tế Eteni Longondo cho biết: “Bộ Y tế CHDC Congo dự định sẽ áp dụng triệt để bài học và kinh nghiệm từ những thành công trong việc khống chế dịch bệnh suốt thời gian dài để triển khai tại thành phố Mbandaka.”

Theo ông Longondo, tính đến nay đã có đến 3.463 trường hợp nhiễm Ebola sau đợt bùng phát ở khu vực phía đông nói trên, trong đó có 2.277 người đã tử vong. Ngoài Ebola, CHDC Congo còn đang phải chiến đấu với một số dịch bệnh khác bao gồm sốt xuất huyết, sởi và đặc biệt là Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. 

Dịch Ebola từng là nỗi kinh hoàng tại các nước Tây Phi với làn sóng lây nhiễm lớn nhất trong lịch sử vào các năm 2013 đến năm 2016. Khi đó, hơn 11.300 người đã mất mạng vì căn bệnh này ở Guinea, Liberia và Sierra Leone.

Bình luận