Chi tiêu quân sự toàn cầu đạt mức kỷ lục gần 3.000 tỷ USD trong năm 2024

VOH - Chi tiêu quân sự toàn cầu đạt 2.720 tỷ USD năm 2024, tăng mạnh nhất kể từ Chiến tranh Lạnh do căng thẳng địa chính trị leo thang, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).

Theo báo cáo công bố ngày 28/4 của SIPRI, chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2024 đạt 2.720 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023 và ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Theo báo cáo của SIPRI, căng thẳng địa chính trị gia tăng đã thúc đẩy chi tiêu quốc phòng tại tất cả các khu vực trên thế giới, với mức tăng đặc biệt nhanh ở châu Âu và Trung Đông.

"Hơn 100 quốc gia đã nâng ngân sách quốc phòng trong năm 2024," báo cáo nêu. "Khi các chính phủ ngày càng ưu tiên an ninh quân sự, thường phải hy sinh các lĩnh vực ngân sách khác, những hệ quả kinh tế - xã hội có thể để lại tác động lâu dài đối với xã hội," SIPRI cảnh báo.

NQHAKWR4K5BVXJYYX6K6JOWLXY
Ảnh minh họa

Tại châu Âu (bao gồm cả Nga), chi tiêu quốc phòng tăng 17%, đưa tổng chi vượt mức con số này ghi nhận vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Căng thẳng do cuộc chiến tại Ukraine và những nghi ngờ về cam kết của Mỹ đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là những yếu tố chính thúc đẩy xu hướng này.

Cụ thể, chi tiêu quân sự của Nga năm 2024 ước đạt 149 tỷ USD, tăng 38% so với năm trước và gấp đôi mức năm 2015. Con số này tương đương 7,1% GDP và chiếm 19% tổng chi ngân sách quốc gia của Nga.

Về phía Ukraine, tổng chi tiêu quân sự tăng 2,9% lên 64,7 tỷ USD, bằng khoảng 43% so với Nga. Đáng chú ý, chi tiêu quốc phòng của Ukraine chiếm tới 34% GDP - mức cao nhất thế giới trong năm 2024.

“Hiện toàn bộ nguồn thu thuế của Ukraine được dành cho quốc phòng. Với không gian tài khóa hạn hẹp như vậy, Ukraine sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn tiếp tục gia tăng chi tiêu quân sự”, SIPRI cho biết.

Tại Mỹ, chi tiêu quốc phòng tăng 5,7% lên 997 tỷ USD, chiếm 66% tổng chi tiêu quân sự của NATO và 37% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm qua.

Bình luận