Theo tuyên bố ngày 31/3 của Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Linda McMahon, Bộ Giáo dục Mỹ cùng Nhóm công tác liên ngành Chống tư tưởng bài xích Do Thái (JTFCAS) sẽ mở cuộc điều tra Đại học Harvard nhằm làm rõ các cáo buộc liên quan.
Trong quá trình này, hơn 8,7 tỷ USD tài trợ liên bang mà Harvard và các đơn vị liên kết đang nhận cũng sẽ bị xem xét lại. Điều này bao gồm các hợp đồng trị giá 255 triệu USD mà Harvard đã ký với chính phủ Mỹ.
Bộ trưởng McMahon nhấn mạnh: "Harvard đã không bảo vệ sinh viên khỏi tình trạng phân biệt đối xử mang tính bài xích Do Thái. Thay vì khuyến khích tự do học thuật, họ lại cổ xúy những tư tưởng gây chia rẽ, đe dọa nghiêm trọng uy tín của trường".
Bà cũng khẳng định Harvard vẫn có cơ hội sửa chữa những sai lầm này để duy trì vị thế một cơ sở học thuật hàng đầu.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang gia tăng áp lực với những đại học danh tiếng của Mỹ, yêu cầu họ hành động quyết liệt hơn nhằm kiểm soát các cuộc biểu tình phản chiến, vốn bị cho là thể hiện "tư tưởng bài xích Do Thái".
Hồi đầu tháng 3, Đại học Columbia đã bị cắt khoản tài trợ 400 triệu USD sau khi một cuộc điều tra kết luận rằng trường này không có biện pháp đủ mạnh để bảo vệ sinh viên Do Thái.
Sau đó, Đại học Columbia buộc phải chấp thuận 9 điều kiện tiên quyết mà nhóm công tác đưa ra về kiểm duyệt nội dung và tăng cường an ninh học đường nhằm đàm phán khôi phục tài trợ liên bang.
Phản ứng trước quyết định của Bộ Giáo dục Mỹ, Chủ tịch Đại học Harvard Alan Garber tuyên bố trường hoàn toàn ủng hộ mục tiêu chống tư tưởng bài xích Do Thái.
Ông chia sẻ: "Chính tôi cũng từng đối diện kiểu thù ghét này, kể cả khi giữ cương vị chủ tịch. Tôi hiểu mức độ tổn thương mà sinh viên phải chịu, khi họ vốn chỉ muốn đến đây để học tập và kết bạn".
Tuy nhiên, ông Garber cũng cảnh báo rằng việc chính phủ cắt giảm tài trợ có thể khiến nhiều dự án nghiên cứu quan trọng bị đình trệ, đẩy nhiều sáng kiến khoa học vào tình trạng bất định.
Tháng trước, Văn phòng Dân quyền của Bộ Giáo dục Mỹ đã cảnh báo 60 đại học, bao gồm Harvard, về nguy cơ mất nguồn tài trợ liên bang nếu họ không xử lý triệt để các hành vi bài xích Do Thái trong khuôn viên trường.
Quốc hội Mỹ cũng đang tiến hành điều tra Harvard và hơn 10 trường đại học khác liên quan đến cáo buộc dung dưỡng thù ghét người Do Thái.
Một báo cáo của Ủy ban Giáo dục và Lao động Hạ viện Mỹ cho thấy nhiều trường không có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi kỳ thị Do Thái.
Báo cáo dài hơn 100 trang này chỉ ra rằng phần lớn sinh viên bị cáo buộc có hành vi quấy rối hoặc kỳ thị người Do Thái chỉ nhận các mức kỷ luật nhẹ hoặc thậm chí không bị xử lý.
Việc chính quyền Trump xem xét lại khoản tài trợ gần 9 tỷ USD dành cho Harvard không chỉ tạo sức ép lên trường này mà còn là lời cảnh báo mạnh mẽ đối với nhiều đại học danh tiếng khác tại Mỹ.