Cuộc bầu cử bất ngờ ở Hàn Quốc: Đấu trường chính trị nóng từng giờ

VOH - Sau phán quyết lịch sử của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol, chính trường Hàn Quốc bước vào cuộc bầu cử tổng thống sớm, dự kiến diễn ra vào ngày 3/6 tới.

Quyền Tổng thống Han Duck-soo đã nhanh chóng chủ trì cuộc họp nội các khẩn để thúc đẩy tiến trình bầu cử, trong khi các đảng phái chính trị lập tức bước vào cuộc đua nước rút nhằm lựa chọn ứng viên phù hợp – không chỉ để giành chiến thắng, mà còn để tái lập lòng tin trong một xã hội đang chia rẽ sâu sắc.

Ông Lee Jae Myung - Ảnh Yonhap
Ông Lee Jae Myung - Ảnh: Yonhap

Trong số những cái tên sớm bước vào đường đua, đáng chú ý có Bộ trưởng Lao động Kim Moon Soo và nghị sĩ Ahn Cheol Soo – người từng nhiều lần tranh cử và lần này cam kết sẽ "mở ra thời đại của sự chính trực và cải cách hiến pháp."

Nghị sĩ Lee Jun Seok của đảng Cải cách mới, cùng với các nhân vật kỳ cựu như Chủ tịch DP đối lập Lee Jae Myung, Tỉnh trưởng Gyeonggi Kim Dong Yeon, Thị trưởng Incheon Yoo Jeong Bok, Thị trưởng Seoul Oh Se Hoon… cũng đã sẵn sàng nhập cuộc.

Ông Lee Jae Myung được đánh giá là ứng viên sáng giá nhất của phe đối lập, tuy vẫn đang đối mặt với các vụ kiện tụng liên quan đến cáo buộc tham nhũng.

Từ làn sóng biểu tình hậu thiết quân luật cho tới sự chia rẽ sâu sắc trong các tầng lớp dân cư – giữa già và trẻ, giàu và nghèo, hữu và tả – Hàn Quốc đang chứng kiến những vết rạn lớn trong lòng xã hội.

Nhiều cử tri bầu chọn không phải vì tin tưởng vào đảng nào, mà chỉ để phản đối đảng còn lại – một xu hướng được cho là nguyên nhân chính của tình trạng phân cực kéo dài.

Thêm vào đó, khủng hoảng chính trị đã khiến kênh đối thoại cấp cao với Mỹ – đồng minh then chốt – bị gián đoạn, ảnh hưởng tiêu cực đến hợp tác an ninh và kinh tế, nhất là trong bối cảnh Mỹ áp thuế 25% lên nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc.

Chủ tịch Quốc hội Woo Won Shik đã đề xuất tổ chức trưng cầu dân ý sửa đổi hiến pháp cùng ngày bầu cử tổng thống – nhằm hạn chế quyền lực hành pháp và tránh tái diễn tình trạng phế truất tổng thống.

Dù đảng PPP cầm quyền ủng hộ đề xuất này, phe đối lập lại kêu gọi tổ chức trưng cầu vào thời điểm khác.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng khó có khả năng tổng thống mới đắc cử lại chủ động giới hạn quyền lực của chính mình – đặt dấu hỏi về tính thực thi của cải cách này.

Theo các khảo sát mới nhất, chênh lệch tỷ lệ ủng hộ giữa hai đảng lớn vẫn nằm trong sai số dưới 10%, cho thấy bức tranh bầu cử vẫn rất khó đoán.

Trong khi PPP phải đối mặt với khủng hoảng nội bộ và mất lòng dân sau giai đoạn thiết quân luật, DP đối lập lại bị vướng vào các lùm xùm pháp lý.

Giới trẻ và cử tri trung dung – vốn ít trung thành với đảng phái – được kỳ vọng sẽ là lực lượng "cầm cân nảy mực" trong cuộc bầu cử sắp tới.

Bình luận