Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đã xác định được vị trí hộp đen máy bay Indonesia bị rơi

(VOH) - Hải quân Indonesia đang tiến hành rà soát khu vực đáy biển được cho là nằm gần thiết bị ghi dữ liệu (hộp đen) trong vụ máy bay hãng hàng không Sriwijaya Air rơi xuống biển ngày 9/1 vừa qua.

Đối với thảm kịch máy bay của hãng hàng không Sriwijaya Air chở theo 62 người rơi xuống biển chỉ vài phút sau khi cất cánh vào ngày 9/1 vừa qua, giới chức Indonesia cho rằng có rất ít hy vọng tìm được người sống sót. Các cơ quan chức năng nước này cho biết sẽ tập trung tìm kiếm hộp đen của máy bay để xác định chính xác điều gì đã xảy ra trên chuyến bay xấu số, cùng thi thể các nạn nhân và tiến hành công tác nhận dạng.

Hiện tại, theo đại diện hải quân Indonesia Fajar Tri Rohadi, các thợ lặn đã rà soát và khoanh vùng khu vực được cho là vị trí của hộp đen của máy bay, và hy vọng thiết bị sẽ nhanh chóng được tìm thấy.

Một thợ lặn tên Bayu Wardoyo phát biểu trên kênh Kompas TV cho biết, ngày 11/1 đã tìm kiếm được thêm nhiều thi thể của nạn nhân ở độ sâu khoảng 5 - 6 mét dưới mực nước biển.

Công tác nhận dạng cũng đang được các cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành. 40 mẫu DNA của thân nhân những người thiệt mạng đã được thu thập và một số báo cáo y tế khác sẽ được sử dụng cho việc xác định danh tính của nạn nhân.

Giám đốc điều hành công tác tìm kiếm và cứu hộ Rasman MS cho biết sẽ cố gắng hoàn thành công tác tìm kiếm nạn nhân sớm chừng nào tốt chừng đó. Ông cũng nói thêm rằng có đến 2.600 người, 53 tàu thuyền và thiết bị quan sát các loại đã được triển khai trong nhiệm vụ lần này.

Các thợ lặn đang rà soát khoanh vùng vị trí hộp đen của máy bay bị nạn. Nguồn: BBC

Điều tra viên Nurcahyo Utomo thuộc Ủy ban An toàn Vận tải Quốc gia (KNKT) cho biết, chiếc máy bay có thể vẫn còn nguyên vẹn trước khi chạm mặt nước, vì các mảnh vỡ chỉ xuất hiện trong một phạm vi tương đối hẹp dưới biển.

Tính đến hiện tại, đội cứu hộ đã tìm kiếm được một động cơ của máy bay, các mảnh của đuôi  máy bay, một vành bánh xe, một máng trượt thoát hiểm cùng nhiều quần áo, đồ đạc của các hành khách.

KNKT trước đó từng cho biết Ban An toàn Vận tải Quốc gia Mỹ và hãng sản xuất Boeing nên tham gia vào cuộc điều tra đối với thảm kịch lần này.

Về phía Boeing, hãng này cũng đã ra thông cáo vào cuối tuần trước: “Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với hãng hàng không và sẵn sàng hỗ trợ họ trong gian đoạn khó khăn này.”

Máy bay gặp nạn là dòng máy bay Boeing 737-500 mang số hiệu SJ 182, đang trên đường khởi hành từ thủ đô Jakarta đến Pontianak ở đảo Borneo thì biến mất khỏi màn hình radar chỉ vỏn vẹn 4 phút sau khi cất cánh. Máy bay này được xác định đã rơi xuống biển Java sau đó.

Công tác tìm kiếm đang được cơ quan chức năng Indonesia tiến hành khẩn trương. Ảnh: Reuters

Theo dữ liệu từ Flightradar24, máy bay SJ 182 cất cánh lúc 2 giờ 36 phút ngày 9/1 (giờ địa phương, tức 7 giờ 36 phút GMT), và đạt độ cao khoảng hơn 3.000m sau 4 phút, sau đó hạ độ cao và hoàn toàn mất dữ liệu khoảng 21 giây sau đó.

Chiếc máy bay này đã được hãng Sriwijaya Air đưa vào khai thác được gần 27 năm, lớn tuổi hơn rất nhiều so với mẫu máy bay thế hệ mới gây nhiều tranh cãi của Boeing là 737 MAX. Các thế hệ máy bay 737 cũ được sử dụng rộng rãi hơn và không có Hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS) như 737 MAX. Chính hệ thống này bị cho là nguyên nhân gây ra 2 thảm kịch hàng không khác, khiến mẫu máy bay Boeing 737 MAX bị cấm bay trên toàn thế giới suốt gần 2 năm qua.

Với một vài manh mối tức thì về nguyên nhân gây ra sự cố mất kiểm soát chỉ 4 phút sau khi cất cánh, thì các nhà điều tra sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc lấy lại các máy ghi âm dữ liệu chuyến bay nguyên vẹn từ đáy biển.

Họ cũng sẽ nghiên cứu hồ sơ bảo dưỡng và động cơ, danh sách phi công và đào tạo, ghi chép không lưu và các dữ liệu khác.

Các máy bay phản lực mới hơn và động cơ của chúng phát ra các luồng dữ liệu để giúp các hãng hàng không lập kế hoạch bảo trì. Nhưng cả mẫu 737-500 và động cơ của nó đều không để lại dấu vết kỹ thuật số như vậy, các chuyên gia trong ngành cho biết.

Thảm kịch của hãng Sriwijaya Air là tai nạn hàng không nghiêm trọng đầu tiên của Indonesia kể từ năm 2018, khi máy bay Beoing 737 MAX của hãng Lion Air rơi xuống biển Java cũng sau ít phút cất cánh từ sây bay quốc tế Soekarno-Hatta, khiến toàn bộ 189 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Bình luận