Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đan Mạch: Hàng ngàn người biểu tình phản đối hủy ngày nghỉ lễ

(VOH) - Ngày 5/2, hàng ngàn người đã tập trung tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch để phản đối dự luật của chính phủ hủy bỏ một ngày nghỉ lễ với mục đích giúp tăng chi tiêu quốc phòng.

Theo hãng tin Reuters, cuộc biểu tình do các liên đoàn lao động lớn nhất của Đan Mạch tổ chức, nhằm phản đối việc bãi bỏ ngày nghỉ lễ Great Prayer Day - một ngày lễ chính của Cơ đốc giáo xuất hiện từ năm 1686, rơi vào thứ Sáu của tuần thứ tư sau lễ Phục sinh.

Các liên đoàn ước tính có ít nhất 50.000 người tham gia biểu tình. Nếu như vậy thì đây là cuộc biểu tình lớn nhất của Đan Mạch trong hơn một thập kỷ qua. 

Đan Mạch: Hàng ngàn người biểu tình phản đối hủy ngày nghỉ lễ
Người biểu tình tập trung trước Tòa nhà Quốc hội ở Copenhagen, ngày 5/2/2023. Ảnh: ReuterS

Trước đó vào tháng 12/2022, việc bãi bỏ Great Prayer Day đã được đề xuất với mục đích hỗ trợ nhiều hơn cho chi tiêu quốc phòng, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt.

Mục tiêu trong 3 năm từ 2028 đến 2030 của Chính phủ Đan Mạch là đáp ứng được mức chi tiêu quốc phòng của NATO - chiếm 2% tổng GDP của đất nước. Đan Mạch cần khoảng 4,5 tỷ krone (654 triệu USD) để đáp ứng mục tiêu đó. Chính phủ nước này cho rằng phần lớn trong khoản này có thể đạt được bằng cách tăng khoản thu từ thuế thông qua việc bãi bỏ ngày lễ.

Việc đề xuất bỏ ngày nghỉ lễ nói trên cũng là một phần trong chương trình cải cách sâu rộng của chính phủ nhằm vượt qua những thách thức đối với mô hình phúc lợi của đất nước.

Tuy nhiên, các công đoàn, nhà lập pháp đối lập và nhà kinh tế đã đặt câu hỏi về tác dụng của đề xuất này. Một số nhà kinh tế cho rằng chính sách này không có tác dụng lâu dài vì người lao động sẽ tìm cách khác để điều chỉnh giờ làm việc của họ.

Ông Stig De Blanck, 63 tuổi, một người biểu tình cho biết: "Thông thường những điều như thế này phải được thảo luận với người lao động. Bây giờ thì mô hình này sắp bị bãi bỏ. Chúng tôi biểu tình để hy vọng họ lắng nghe."

Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), số giờ làm việc của người Đan Mạch thuộc nhóm ít nhất tại châu Âu. 

Bình luận