Thông tin này lập tức vấp phải phản ứng cứng rắn từ phía Nga, khi Moscow tuyên bố lực lượng nước ngoài có mặt tại Ukraine là "mục tiêu hợp pháp".
Phát biểu với đài truyền hình TV2 (Đan Mạch), Thiếu tướng Peter Boysen Tổng tư lệnh quân đội Đan Mạch xác nhận kế hoạch cử binh sĩ tới Ukraine trong thời gian tới. Ông cho biết lực lượng này sẽ không mang theo vũ khí và sẽ không tham gia chiến đấu, mà chỉ đến để quan sát và học tập từ kinh nghiệm thực tiễn của quân đội Ukraine trong việc vận hành UAV.
“Họ không đến để chiến đấu hay tham gia chiến sự. Mục tiêu là thu thập kinh nghiệm từ thực địa, đặc biệt trong lĩnh vực điều hành máy bay không người lái,” ông Boysen nói. Các binh sĩ dự kiến tham gia khóa huấn luyện kéo dài từ một đến hai tuần, dự kiến bắt đầu vào mùa hè năm nay. Tuy nhiên, số lượng cụ thể binh sĩ được triển khai vẫn chưa được công bố.

Đáp lại thông tin này, Đại sứ Nga tại Đan Mạch ông Vladimir Barbin gọi đây là hành động khiêu khích và cho rằng điều đó sẽ khiến Đan Mạch bị kéo sâu hơn vào cuộc xung đột ở Ukraine. Ông nhấn mạnh rằng mọi cơ sở quân sự của Ukraine, bao gồm trụ sở, trung tâm huấn luyện và các địa điểm tập kết binh sĩ, thiết bị quân sự – kể cả ở tuyến đầu hay trong nội địa – đều là những mục tiêu quân sự hợp pháp của Nga.
Phía Nga còn mở rộng cảnh báo đối với các cơ sở của phương Tây tại Ukraine. Một trong số đó là nhà máy sản xuất vũ khí do tập đoàn Rheinmetall (Đức) điều hành. Dù hiện chưa có thông tin cho thấy Nga đã tấn công cơ sở này, tuyên bố của Moscow làm dấy lên lo ngại về nguy cơ leo thang xung đột nếu các lực lượng nước ngoài tiếp tục xuất hiện ở Ukraine.
Giới quan sát cho rằng việc cử binh sĩ – dù không mang vũ khí – vào khu vực chiến sự tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt quân sự và ngoại giao. Động thái của Đan Mạch có thể tạo tiền lệ cho các quốc gia NATO khác muốn thu thập kinh nghiệm thực chiến tại Ukraine. Tuy nhiên, nó cũng làm tăng nguy cơ va chạm trực tiếp giữa Nga và các nước phương Tây.