WHO kêu gọi một khoản tài trợ khẩn cấp trị giá 8 triệu USD để hỗ trợ cứu người và ngăn chặn sự bùng phát của các dịch bệnh trong 30 ngày tới.
Trận động đất khiến hơn 1.700 người thiệt mạng tại Myanmar và ít nhất 18 người thiệt mạng tại Thái Lan quốc gia láng giềng.
Con số thương vong có thể còn gia tăng khi theo mô hình dự báo của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), số người chết tại Myanmar có thể vượt quá 10.000 người và thiệt hại tài sản có thể vượt qua tổng sản phẩm kinh tế hàng năm của quốc gia này.
WHO cảnh báo ngoài những thiệt hại về người, các nạn nhân bị thương sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng do điều kiện phẫu thuật hạn chế tại Myanmar.
Tại Myanmar, hệ thống y tế đang bị căng thẳng nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm như tả và sốt xuất huyết có thể bùng phát. Để giảm thiểu tác động của thảm họa, WHO kích hoạt một trung tâm hậu cần tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để chuẩn bị vật tư cứu trợ.

Để đối phó với tình trạng khẩn cấp, nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ.
Trong một cuộc họp khẩn của các Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Campuchia tuyên bố sẽ cung cấp 100.000 USD viện trợ khẩn cấp cho Myanmar và đang xem xét mức đóng góp thêm. Các vật tư y tế và nhu yếu phẩm cũng sẽ được chuyển tới giúp đỡ các nạn nhân.
Việt Nam cử một đoàn cứu hộ do Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, đảm nhận vai trò Tổng Chỉ huy. Đoàn sẽ tham gia vào các nỗ lực khắc phục hậu quả và cứu hộ tại Myanmar.
Singapore cũng triển khai một đội cứu trợ 80 người bao gồm các chuyên gia về cứu hộ, y tế, tìm kiếm và cứu nạn. Malaysia và Philippines cũng lên kế hoạch gửi đội cứu trợ gồm các nhân viên y tế và lực lượng vũ trang.
Trận động đất tại Myanmar gây ra thảm họa nghiêm trọng nhưng nỗ lực cứu hộ và hỗ trợ quốc tế đang được triển khai mạnh mẽ để giảm thiểu thiệt hại.