Tiêu điểm: Nhân Humanity

Động lực thúc đẩy Thủ tướng Ấn Độ đi thăm Ukraine?

VOH - Cuối tháng 7/2024, báo chí Ấn Độ cho biết, Thủ tướng Narendra Modi sẽ đến thăm Ukraine vào cuối tháng 8.

Ấn Độ từ lâu duy trì chính sách ngoại giao theo 2 nguyên tắc, là “tự chủ chiến lược” và “tự do lựa chọn”. Các chính sách về quan hệ quốc tế này được cho sẽ bị giám sát chặt chẽ suốt chuyến thăm.

c_Modi_Zelenskiy
Thủ tướng Modi (trái) và Tổng thống Zelenskiy bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima - Ảnh: CNN

Chuyến đi dự kiến ​​của Thủ tướng Modi tới Kiev, sẽ đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ tới Ukraine kể từ năm 1991. Chuyến đi này diễn ra hơn 1 tháng, sau khi ông Modi tới Moscow. Nó cũng phản ánh điều mà các chuyên gia chính sách đối ngoại Ấn Độ nhấn mạnh, là hành động mang tính cân bằng.

Tuy nhiên, chuyến thăm cũng có thể 1 phần do Hoa Kỳ gây sức ép dữ dội lên New Delhi, và sự chỉ trích công khai từ các nước phương Tây về cuộc gặp của ông Modi với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow.

Khi ông Modi đến thăm Nga vào ngày 8/7, Tổng thống Vladimir Zelenskiy của Ukraine đã phản ứng gay gắt, mô tả sự thất vọng lớn và một đòn giáng mạnh vào hòa bình.

Thời điểm đó, New Delhi muốn làm rõ những phát biểu của ông Zelensky, trong khi Điện Kremlin khẳng định, nhà lãnh đạo Ukraine thiếu tính chính danh do nhiệm kỳ đã kết thúc.

Moscow sẽ theo dõi chặt chẽ chuyến thăm dự kiến ​​của ông Modi tới Kiev, trong khi Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy New Delhi tăng cường quan hệ với Ukraine, để cô lập Nga.

Phản ứng nhanh chóng của New Delhi trước sự phản đối của Hoa Kỳ về chuyến thăm Nga, phản ánh chính sách xuyên suốt của Ấn Độ, là các quốc gia đều có quyền lựa chọn, trong thế giới ngày càng trở nên đa cực.

Ông Donald Lu, trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Nam và Trung Á nói rằng, họ rất không hài lòng về chuyến thăm Nga của Thủ tướng Modi, do trùng với thời điểm Hoa Kỳ đang tổ chức hội nghị thượng đỉnh NATO.

Dân biểu Joe Wilson nói rằng, ông cảm thấy sốc khi thấy Thủ tướng Modi ôm Tổng thống Putin.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Ấn Độ, ông Eric Garcetti cũng nhận xét về chuyến đi Moscow của Thủ tướng Modi, nhưng không đề cập trực tiếp đến Nga, cảnh báo rằng điều này không tốt cho nỗ lực của phương Tây nhằm giải quyết cuộc chiến Ukraine.

Điều gì khiến cả nhánh lập pháp và hành pháp của Hoa Kỳ khó chịu về sự gần gũi giữa Moscow và Delhi? Một số ý kiến cho rằng, cần đánh giá, phân tích và thấu hiểu trong bối cảnh toàn cầu, xét các yếu tố kinh tế, địa lý, lịch sử và chiến lược rộng lớn hơn.

Ông Michael Kugelman, chuyên gia phân tích tại trung tâm Wilson lập luận rằng, sự phản đối của Hoa Kỳ đối với chuyến thăm của Thủ tướng Modi, do họ không hiểu hết bản chất thực sự của mối quan hệ song phương này, nên không muốn bất kỳ bạn bè hay đối tác nào làm ăn với Nga.

Ngoài ra, Hoa Kỳ lo ngại về quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Nga và Ấn Độ. Ngày càng nhiều công nghệ nhạy cảm của Hoa Kỳ được ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ sử dụng. Không loại trừ khả năng, chúng sẽ được tuồn sang Nga.

Mối quan tâm lớn khác của Mỹ, là việc New Delhi mua dầu thô từ Nga, sau khi Hoa Kỳ và EU áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Moscow.

Lập luận của Hoa Kỳ, là sự gần gũi giữa New Delhi và Moscow, sẽ không có lợi cho người dân Ukraine. Ấn Độ không nên dựa vào Nga để tái thiết kinh tế.

Theo 1 số chuyên gia, Moscow từ lâu đã chia sẻ kiến thức và chuyên môn của mình với Ấn Độ, trong lĩnh vực giáo dục, năng lượng, khoa học, công nghệ hay chăm sóc sức khỏe. Khối BRICS cũng củng cố thêm quan hệ đối tác giữa hai nước, do đó gây ra lo lắng hơn cho Hoa Kỳ.

BRICS từng nhiều lần khẳng định, họ muốn có 1 trật tự thế giới mới, thay cho trật tự hiện tại dựa trên luật lệ được Hoa Kỳ lãnh đạo.

Bên cạnh đó, nhiều nhà hoạt động xã hội cho rằng, dù phương Tây bị sốc khi Nga trao Huân chương thánh Andrew cho Thủ tướng Modi, nhưng cũng không kinh khủng bằng Hoa Kỳ mời Thủ tướng Benjamin Netanyahu tới phát biểu trước quốc hội. Xét tới tội ác chiến tranh của Israel ở Gaza, số dân thường thiệt mạng đã gấp nhiều lần so với tại Ukraine, thì tiêu chuẩn kép của Hoa Kỳ thật đáng sợ.

Bài phát biểu vẫn diễn ra, mặc dù khoảng 30% thành viên quốc hội Hoa Kỳ từ chối tới nghe, bao gồm cả phó Tổng thống Kamala Harris.

Theo ông Michael Kugelman, việc công khai thúc đẩy đối ngoại dựa trên đạo đức, có thể sẽ đi kèm với tiêu chuẩn kép và đạo đức giả. Do đó, đạo đức thường có xu hướng đi sau lợi ích.

Bình luận