Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đức cáo buộc tỷ phú Elon Musk tìm cách can thiệp bầu cử

ĐỨC - Ngày 30/12, Chính phủ Đức chính thức cáo buộc tỷ phú Elon Musk đang cố gắng tác động đến cuộc bầu cử liên bang của nước này, dự kiến diễn ra vào ngày 23/2/2025.

Chính phủ Đức cho rằng ông Elon Musk đang cố gắng tác động đến cuộc bầu cử thông qua các phát ngôn và bài viết ủng hộ đảng cực hữu "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD). Đây là động thái gây ra những tranh cãi dữ dội, và Chính phủ Đức khẳng định những bài viết của ông Musk là "vô nghĩa".

Trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) và qua một bài bình luận đăng trên tờ Die Welt, tỷ phú Musk gọi AfD là “tia hy vọng cuối cùng” của Đức. Ông chỉ trích các đảng truyền thống đã dẫn đến “suy thoái kinh tế, bất ổn xã hội và mất mát bản sắc quốc gia”.

Vị tỷ phú Mỹ khẳng định AfD, dù bị coi là cực hữu, lại đại diện cho “chủ nghĩa thực tế chính trị” và cho rằng việc mô tả đảng này theo khuynh hướng cực hữu là “hoàn toàn sai lầm”.

Những phát ngôn này nhanh chóng gây ra phản ứng mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo chính trị và truyền thông Đức. Biên tập viên chuyên mục bình luận của Die Welt, bà Eva Marie Kogel, đã nộp đơn từ chức sau khi bài viết của Musk được đăng tải.

Lãnh đạo đảng đối lập Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), Friedrich Merz, lên án các bình luận của Musk là “ngạo mạn và gây rối”.

Trong khi đó, phát ngôn viên Chính phủ Đức Christiane Hoffmann cho biết Musk có quyền tự do bày tỏ quan điểm cá nhân, nhưng bà nhấn mạnh rằng "quyền tự do ngôn luận cũng bao gồm cả những điều vô nghĩa nhất".

Chính phủ Đức nhận định rằng sự ủng hộ của Musk đối với AfD là một hình thức khuyến nghị bỏ phiếu cho một đảng bị cơ quan tình báo trong nước theo dõi vì nghi ngờ có khuynh hướng cực hữu.

Phía Đức cũng lo ngại rằng những bình luận của Musk có thể làm lung lay sự ổn định chính trị, đặc biệt khi AfD đang đứng thứ hai trong các cuộc thăm dò ý kiến trước bầu cử. Đảng này được biết đến với các quan điểm siết chặt luật tị nạn và chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, tạo ra sức hút đáng kể đối với cử tri, đặc biệt sau chiến thắng trong cuộc bầu cử khu vực tại Thuringia vào tháng 9.

Những phát biểu của Musk diễn ra trong bối cảnh chính trị Đức đang gặp nhiều bất ổn. Chính phủ liên minh do Thủ tướng Olaf Scholz lãnh đạo đã sụp đổ sau các mâu thuẫn về ngân sách. Bản thân Thủ tướng Scholz cũng vừa thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, buộc ông giữ vai trò lãnh đạo tạm quyền cho đến khi cuộc bầu cử diễn ra.

Bên cạnh đó, vụ tấn công bằng xe ô tô vào đám đông tại chợ Giáng sinh hôm 20/12 khiến 5 người thiệt mạng càng làm tăng thêm áp lực chính trị. Ông Musk không chỉ chỉ trích chính phủ mà còn kêu gọi ông Scholz từ chức, khiến dư luận dậy sóng.

elon-musk-55993
Tỷ phú Elon Musk - Ảnh: REUTERS

Nhiều nhà phân tích cho rằng những phát ngôn của Elon Musk xuất phát từ lợi ích kinh tế. Với các khoản đầu tư đáng kể tại Đức, ông có thể muốn hưởng lợi từ chính sách giảm quy định và thuế của AfD. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo chính trị tại Đức đã khẳng định không hợp tác với AfD ở cấp quốc gia.

Vụ việc Elon Musk công khai ủng hộ AfD không chỉ tạo ra tranh cãi về tự do ngôn luận mà còn đặt ra câu hỏi về vai trò của các nhân vật nổi tiếng trong việc ảnh hưởng đến chính trị.

Đảng cực hữu AfD thành lập vào năm 2013 và đã thu hút sự chú ý khi tập trung vào việc siết chặt luật tị nạn và chống lại tội phạm có tổ chức cũng như chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Sự ủng hộ dành cho đảng này gia tăng đáng kể, đặc biệt sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử khu vực tại Thuringia vào tháng 9.

AfD hiện đứng thứ hai trong các cuộc thăm dò ý kiến trước thềm bầu cử và đảng này có khả năng cản trở phe trung hữu hoặc trung tả chiếm đa số Quốc hội. 

Bình luận