EU siết quy trình xét tị nạn: Rút ngắn thời gian, đẩy nhanh hồi hương

VOH - Liên minh châu Âu (EU) đã công bố loạt đề xuất lập pháp mới nhằm đẩy nhanh quy trình xét duyệt đơn xin tị nạn, trong nỗ lực giảm tải cho các quốc gia đang chịu áp lực lớn như Đức, Pháp và Italia.

Các biện pháp này là một phần trong Hiệp ước Tị nạn và Di cư mới, dự kiến có hiệu lực từ giữa năm 2026.

Trong thông cáo chính thức, Ủy ban châu Âu (EC) công bố danh sách ban đầu gồm 7 quốc gia được xếp vào nhóm "an toàn", bao gồm: Kosovo, Bangladesh, Colombia, Ai Cập, Ấn Độ, Morocco và Tunisia. Công dân từ các nước này khi nộp đơn xin tị nạn vào EU sẽ được xử lý theo thủ tục rút gọn, với thời gian xét duyệt tối đa chỉ còn 3 tháng – giảm một nửa so với quy trình hiện hành.

Điểm đáng chú ý là các đơn xin tị nạn này sẽ có thể được giải quyết ngay tại biên giới, giúp các nước thành viên tiết kiệm thời gian và chi phí xử lý hành chính, đồng thời tạo điều kiện sớm phân loại người được cấp quy chế tị nạn và người sẽ bị hồi hương.

Lien minh chau Au 2025
Liên minh châu Âu khuyến khích các quốc gia thành viên có mong muốn áp dụng Hiệp ước tị nạn và di cư đẩy nhanh quá trình thiết lập chế độ "hồi hương" - Ảnh: France Info

EC cho biết, danh sách quốc gia “an toàn” sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới, đặc biệt là với các quốc gia đang trong tiến trình gia nhập EU như Albania, Serbia, Montenegro, Thổ Nhĩ Kỳ… Những nước này có tỷ lệ đơn xin tị nạn bị từ chối cao, thường dưới 5%, nên được xem là đáp ứng các tiêu chí "an toàn".

Ngoài ra, EC khẳng định các quốc gia đang trong tình trạng đặc biệt như Ukraine, hoặc chịu các lệnh trừng phạt từ EU, sẽ không bị đưa vào danh sách "an toàn" và vẫn được xem xét hồ sơ tị nạn theo quy trình thông thường.

Biện pháp mới này cũng cho phép các quốc gia EU tự thỏa thuận với nước thứ ba để thành lập trung tâm "tị nạn" – nơi lưu trú tạm thời cho các trường hợp bị từ chối tị nạn và chờ hồi hương. Việc này nhằm rút ngắn thời gian cư trú bất hợp pháp và giảm thiểu gánh nặng ngân sách liên quan đến chi phí cho người nhập cư.

Tuy nhiên, đề xuất của EC đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Chính phủ Italia – một trong những nước tích cực thúc đẩy cải cách này – coi đây là "bước ngoặt lịch sử" trong chính sách nhập cư của EU. Trái lại, nhiều nghị sĩ Đảng Xanh tại Nghị viện châu Âu chỉ trích gay gắt, cho rằng đây là hành vi "tước đoạt quyền được xin tị nạn chính đáng của công dân đến từ các quốc gia nghèo hoặc có xung đột tiềm ẩn".

Về phía các quốc gia bị liệt vào danh sách “an toàn”, một số ý kiến từ giới chuyên gia và tổ chức nhân quyền quốc tế cho rằng đây là động thái “đánh đồng nguy hiểm” và có thể dẫn đến vi phạm quyền con người, khi không tính đến bối cảnh cụ thể từng cá nhân hoặc nhóm dễ bị tổn thương.

Dù còn nhiều tranh cãi, EC vẫn khẳng định các biện pháp mới là bước cần thiết để cải cách hệ thống tị nạn đã quá tải của EU, đồng thời đảm bảo việc bảo vệ quyền lợi người tị nạn thực sự, song song với việc kiểm soát hiệu quả dòng người nhập cư bất hợp pháp.

Bình luận