Đây là lần đầu tiên trên thế giới một hệ thống robot lai côn trùng được triển khai trong hoạt động cứu hộ nhân đạo thực địa.
Theo tờ Straits Times, các chú gián robot này là một phần của chiến dịch “Trái tim sư tử” (Lionheart) do Lực lượng Phòng vệ Dân sự Singapore (SCDF) dẫn đầu.
Nhóm đã tới Myanmar vào ngày 30/3, ngay sau khi trận động đất xảy ra tại khu vực gần thành phố Mandalay khiến ít nhất 3.354 người thiệt mạng, hơn 4.800 người bị thương và hàng trăm người mất tích.
Robot lai gián - Công nghệ mới hỗ trợ cứu nạn
Hệ thống robot độc đáo này là kết quả hợp tác giữa Cơ quan Khoa học và Công nghệ Home Team (HTX), Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) và công ty Klass Engineering & Solutions.
Chúng được tạo ra bằng cách gắn thiết bị điều khiển, camera hồng ngoại và cảm biến lên cơ thể của loài gián gió Madagascar - một trong những loài gián lớn nhất thế giới với chiều dài trung bình 5 - 7,5 cm.
Nhờ kích thước nhỏ gọn và khả năng luồn lách vào các khe hở hẹp trong đống đổ nát, gián robot có thể tiếp cận những khu vực mà con người hoặc thiết bị thông thường khó tiếp cận.
Mỗi con gián có thể được điều khiển từ xa thông qua các điện cực gắn trên cơ thể, và dữ liệu thu thập từ camera cùng cảm biến sẽ được xử lý bằng thuật toán học máy để phát hiện dấu hiệu sự sống. Kết quả sẽ được truyền về cho nhóm vận hành nhằm triển khai lực lượng cứu hộ phù hợp.
Trong đợt triển khai đầu tiên ngày 31/3, đội gián robot được đưa vào một bệnh viện đổ sập có diện tích tương đương 2 sân bóng đá. Tiếp đó, hai lần sử dụng khác được tiến hành vào ngày 2 và 3/4 tại thủ đô Naypyidaw.
Dù chưa phát hiện người sống sót, các robot đã hỗ trợ hiệu quả cho đội tìm kiếm trong việc khảo sát hiện trường và tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vượt thử thách thực tế để cải thiện công nghệ
Hai kỹ sư vận hành đội gián robot, Yap Kian Wee và Ong Ka Hing, chia sẻ rằng các con gián vẫn hoạt động tốt bất chấp điều kiện thời tiết khắc nghiệt, được chăm sóc bằng nước và cà rốt.
Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận rằng môi trường thực địa tại Myanmar rất khác với điều kiện thử nghiệm trong phòng thí nghiệm Singapore.
“Thử nghiệm trong phòng lab không thể so với những biến động thực tế ở đây. Chúng tôi đã gặp một số trục trặc kỹ thuật và mọi việc không hoàn toàn suôn sẻ,” kỹ sư Ong nói. “Nhưng đó sẽ là những bài học quý giá để chúng tôi cải tiến công nghệ trong tương lai.”


Mẫu gián robot từng được giới thiệu tại các hội chợ công nghệ ở Singapore vào tháng 4/2024, và dù ban đầu được dự kiến triển khai vào năm 2026, tình huống khẩn cấp ở Myanmar đã khiến công nghệ này được đưa ra thực địa sớm hơn kế hoạch.
Trong bối cảnh Myanmar đang vật lộn với hậu quả của một trong những thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng nhất nhiều năm qua, sự xuất hiện của các giải pháp công nghệ tiên tiến như gián robot không chỉ mở ra hướng đi mới trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, mà còn đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc kết hợp sinh học và kỹ thuật để phục vụ các mục đích nhân đạo.