Danh sách ứng viên ngày một dài và tình hình chính trị nội bộ các đảng có nhiều biến động.
Kể từ sau khi Tòa Hiến pháp Hàn Quốc ra phán quyết phế truất Tổng thống Yoon Suk-yeol, các đảng chính trị đã nhanh chóng kích hoạt quy trình tìm ứng viên thay thế.
Đảng cầm quyền Quyền lực nhân dân (PPP) hiện đã hoàn tất vòng sơ bộ đầu tiên, chọn ra tám cái tên nổi bật như cựu Bộ trưởng Lao động Kim Moon-soo, cựu Chủ tịch PPP Han Dong-hoon hay các nghị sĩ kỳ cựu Ahn Cheol-soo và Na Kyung-won.
Vòng hai của sơ bộ PPP dự kiến diễn ra ngày 22/4, với mục tiêu chọn bốn người vào vòng chung kết trước khi chốt ứng viên chính thức vào ngày 3/5.
Đảng Dân chủ (DP) đối lập cũng không kém phần sôi động khi cựu lãnh đạo Lee Jae-myung - người từng suýt chiến thắng năm 2022 - đang dẫn đầu các cuộc thăm dò và được kỳ vọng là ứng viên sáng giá của đảng.
Bên cạnh ông Lee còn có Kim Kyung-soo và Kim Dong-yeon – hai nhân vật có ảnh hưởng trong chính trường Hàn Quốc. DP sẽ công bố ứng viên chính thức vào ngày 27/4.
Ngoài hai đảng lớn, nghị sĩ Lee Jun-seok từ đảng Cải cách cũng chính thức tham gia cuộc đua, cho thấy sự phân mảnh ngày càng rõ trong chính trường Hàn Quốc hiện nay.
Các ứng viên đang tích cực vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các nhân vật có tầm ảnh hưởng như Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon.
Dù ông Oh khẳng định không ra tranh cử, nhưng sự hậu thuẫn của ông được coi là yếu tố có thể xoay chuyển tình thế, đặc biệt trong nội bộ PPP.
Các ứng viên hàng đầu của đảng này đã liên tiếp gặp gỡ ông Oh để tìm kiếm liên minh và tranh thủ chính sách phúc lợi vốn được lòng cử tri của ông.
Ông Han Dong-hoon của PPP hứa đầu tư mạnh vào trí tuệ nhân tạo, với khoản đầu tư lên tới 200.000 tỉ won để đưa Hàn Quốc vào nhóm ba cường quốc AI hàng đầu thế giới, đồng thời mở rộng tầng lớp trung lưu và cải tổ hệ thống phúc lợi.
Cựu Thị trưởng Daegu Hong Joon-pyo nhấn mạnh cải cách chính trị, kêu gọi đưa văn phòng tổng thống trở lại Nhà Xanh và xóa bỏ Tòa Hiến pháp.
Trong khi đó, bà Na Kyung-won tập trung vào quốc phòng, kêu gọi tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ để đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên.
Về phía DP, ông Lee Jae-myung cũng cam kết đầu tư khổng lồ vào AI, coi đây là yếu tố sống còn cho tương lai Hàn Quốc.
Ứng viên Kim Kyung-soo thì đề xuất dời văn phòng tổng thống về Sejong, biến nơi này thành trung tâm hành chính mới của quốc gia và tái cơ cấu hệ thống quản trị bằng cách chia đất nước thành năm “siêu đô thị tự quản”.
Bầu không khí chính trị càng thêm căng thẳng sau vụ cảnh sát đột kích Văn phòng tổng thống hôm 16/4 để điều tra nghi án cản trở thi hành lệnh bắt giữ cựu Tổng thống Yoon.
Vụ việc cho thấy những rạn nứt sâu sắc trong hệ thống quyền lực và làm dấy lên lo ngại về khủng hoảng niềm tin vào các cơ quan đầu não của đất nước.
Với số lượng ứng viên dày đặc và những bất đồng nội bộ hiện hữu, cả PPP và DP đều đối mặt với áp lực lớn trong việc thống nhất hàng ngũ trước khi bước vào giai đoạn vận động tranh cử chính thức.
Giới phân tích cho rằng nếu không nhanh chóng khắc phục chia rẽ, các đảng có thể đánh mất cơ hội trước đối thủ hoặc làm suy giảm sự ủng hộ của cử tri trong giai đoạn then chốt.