Theo thông tin từ hãng thông tấn Yonhap và Bộ Nội vụ Hàn Quốc, ngọn lửa bắt đầu bùng phát vào khoảng 11h25 ngày 22/3 tại huyện Uiseong, khi người đàn ông, khoảng 56 tuổi, được cho là đang thực hiện nghi lễ tảo mộ tại một khu mộ gia đình.
Một số nguồn tin cho biết ông đã dùng bật lửa để đốt các cành cây quanh mộ, song do gió mạnh và thời tiết khô hạn kéo dài, ngọn lửa đã nhanh chóng lan rộng và gây ra thảm họa.
Vụ cháy nhanh chóng lan sang các khu vực lân cận như Andong, Cheongsong, Yeongyang và Yeongdeok, thiêu rụi 48.000 ha rừng - tương đương 80% diện tích thủ đô Seoul. Trong đó, Uiseong bị ảnh hưởng nặng nhất với 12.800 ha rừng bị thiêu rụi. Khoảng 4.000 công trình, bao gồm nhà dân, nhà máy và cơ sở hạ tầng khác, cũng bị phá hủy.
Thảm họa cũng khiến nhiều di tích văn hóa bị ảnh hưởng hoặc bị phá hủy hoàn toàn, trong đó có đền Goun (Gounsa), một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ VII và được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Các bảo vật quốc gia trong đền may mắn đã được di dời kịp thời đến nơi an toàn.


Giới chức địa phương cho biết mặc dù đám cháy đã được kiểm soát hoàn toàn vào chiều 28/3, nhưng do điều kiện thời tiết bất lợi, lửa đã bùng phát trở lại vào đêm 29/3.
Tính đến sáng 30/3, khoảng 99% diện tích cháy mới đã được khống chế nhờ nỗ lực của gần 1.500 lính cứu hỏa, 50 trực thăng và hơn 200 phương tiện hỗ trợ.
Hiện nghi phạm phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến vụ cháy. Tuy nhiên, con gái của ông khai rằng cha cô đã vô tình gây ra đám cháy khi cố gắng đốt cành cây bằng bật lửa.
Cảnh sát đã lên kế hoạch mở cuộc điều tra chung với sự phối hợp của Viện Khoa học Lâm nghiệp Quốc gia, Cơ quan Pháp y Quốc gia và các cơ quan cứu hỏa. Cuộc thẩm vấn nghi phạm sẽ được tiến hành sau khi hoàn tất kiểm tra thực địa, dự kiến kéo dài hơn một tháng.
Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck Soo nhận định đây là một thảm họa chưa từng có, vượt ngoài mọi dự đoán và mô hình đánh giá thiên tai từ trước đến nay ở nước này.