Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hungary hoàn tất phê duyệt Thụy Điển vào NATO

VOH - Tổng thống Hungary ký duyệt nghị định thư xin gia nhập NATO của Thụy Điển, hoàn tất quá trình phê duyệt sau 2 năm trì hoãn.

Ngày 5/3, Văn phòng Tổng thống Hungary thông báo Tổng thống nước này, ông Tamas Sulyok, đã ký duyệt quyết định liên quan tư cách thành viên của Thụy Điển trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - vốn được thông qua tại Quốc hội Hungary hôm 26/2.

Văn kiện sau khi được ký duyệt sẽ được chuyển cho Mỹ để tiến hành các thủ tục tiếp theo. Thụy Điển sau đó sẽ được mời tham gia Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương để chính thức trở thành thành viên thứ 32 của NATO.

Quốc hội Hungary cuối tháng trước đã thông qua nghị định thư xin gia nhập NATO của Thụy Điển sau 2 năm trì hoãn. Văn bản được thông qua với 188 phiếu thuận và 6 phiếu phản đối.

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Johnson gọi sự kiện Hungary chính thức ký duyệt tư cách thành viên NATO cho Thụy Điển là "điều cực kỳ quan trọng". Theo ông Johnson, Thụy Điển gia nhập NATO sẽ tốt cho cả nước này lẫn liên minh và có lợi cho toàn bộ khu vực châu Âu - Đại Tây Dương.

Hungary hoàn tất phê duyệt Thụy Điển vào NATO
Thủ tướng Hungary Viktor Orban (phải) và phó Thủ tướng Zsolt Semjen trong phiên họp của Quốc hội về việc phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO, ngày 26/2/2024 - Ảnh: Reuters

Đơn xin gia nhập NATO của Stockholm được phê duyệt sau khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban gặp người đồng cấp Thụy Điển Ulf Kristersson tại Budapest ngày 23/2, trong đó hai lãnh đạo tuyên bố đã làm rõ "những thiện chí chung của hai bên".

Kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nổ ra năm 2022, Thụy Điển đã có quyết định mang tính lịch sử khi nộp đơn xin gia nhập NATO. Theo quy định thì một nước muốn gia nhập NATO phải nhận được sự đồng ý của tất cả các nước thành viên; và Hungary là quốc gia cuối cùng của NATO phê duyệt cho Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này. 

Hungary mới đây cũng vừa ký thỏa thuận quốc phòng với Thụy Điển, trong đó có điều khoản mua 4 máy bay chiến đấu JAS Gripen nước bạn và mở rộng các thỏa thuận liên quan đến vận chuyển và hậu cần quân sự.

Bình luận