Hungary rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế ngay sau chuyến thăm của Thủ tướng Israel

HUNGARY - Chính phủ Hungary quyết định rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ngay sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đến Budapest.

Ngày 3/4, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, đất nước ông quyết định rút khỏi ICC vì tòa án này đã trở thành một tòa án chính trị.

Thủ tướng Israel phải đối mặt với lệnh bắt giữ từ ICC vì những tội ác chiến tranh đã gây ra ở Dải Gaza kể từ cuộc xâm lược của Israel vào ngày 7/10/2023.

hungary-icc-040425
Thủ tướng Hungary Viktor Orban - Ảnh: AFP

Về phần mình, Chủ tịch Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) bày tỏ mối quan ngại của mình về quyết định rút khỏi tòa án của Hungary.

Trong một lá thư, Chủ tịch ICC thúc giục Hungary duy trì cam kết không lay chuyển của mình đối với Quy chế Rome, hiệp ước thành lập của Tòa án.

Hungary là thành viên sáng lập của ICC và về mặt lý thuyết có nghĩa vụ bắt giữ và giao nộp bất kỳ ai mà tòa án ra lệnh bắt.

Vào ngày 21/11/2024, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Galant, với cáo buộc về tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở Dải Gaza.

Tòa án đã xác nhận, trong một tuyên bố vào thời điểm đó rằng, có căn cứ hợp lý để tin rằng ông Netanyahu và ông Galant đã phạm tội ác chống lại thường dân, lưu ý rằng các tội ác được quy cho họ bao gồm việc sử dụng nạn đói làm vũ khí chiến tranh, giết người, đàn áp và các hành vi vô nhân đạo khác. 

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) được thành lập vào năm 2002 và hiện có 125 quốc gia thành viên. Tuy nhiên, một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Nga, Mỹ không tham gia ICC.

ICC có trụ sở tại The Hague tìm cách điều tra và truy tố những người chịu trách nhiệm về các tội nghiêm trọng như diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh.

Các cuộc điều tra đang diễn ra của ICC về các tội danh bị cáo buộc bao gồm lệnh bắt giữ gây tranh cãi trong cuộc chiến tranh Ukraine và Israel-Hamas là phép thử quan trọng đối với quyền lực của tòa án.

Bình luận