Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á muốn gia nhập BRICS

VOH - Bộ Ngoại giao Indonesia ra thông cáo cho biết nước này đã bày tỏ mong muốn gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi quy mô lớn (BRICS) và quá trình xin gia nhập đã bắt đầu khởi động.

Lãnh đạo các quốc gia thành viên BRICS đang có mặt tại thành phố Kazan của Nga để tham dự Hội nghị thượng đỉnh của nhóm trong tuần này.

Tối 24/10, Ngoại trưởng Sugiono của Indonesia - người vừa được bổ nhiệm cách đây không lâu, cho biết nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á cũng đã bắt đầu quá trình xin gia nhập vào BRICS - nhóm các quốc gia có nền kinh tế mới nổi quy mô lớn chiếm đến 35% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu.

“Việc gia nhập BRICS là biểu hiện của chính sách đối ngoại độc lập và chủ động của Indonesia. Điều này không có nghĩa là chúng tôi gia nhập vào một nhóm hay tổ chức nào nhất định, mà là sự chủ động tham gia vào mọi diễn đàn trên trên thế giới”, ông Sugiono nói.

Trước đó, tân Tổng thống Indonesia Prabowa Subianto, người vừa chính thức nhậm chức vào cuối tuần qua, từng nhiều lần nhấn mạnh ông chủ trương làm bạn với tất cả các nước, dù là Trung Quốc hay Mỹ, và Indonesia sẽ không tham gia vào bất kỳ liên minh quân sự nào.

Ngoại trưởng Sugiono cho hay BRICS phù hợp với các chương trình nghị sự quan trọng của Tổng thống Prabowo, “đặc biệt là về an ninh lương thực và năng lượng, xóa đói giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực”. Ông cũng nói thêm rằng Indonesia coi nhóm này là “phương tiện” thúc đẩy lợi ích của các quốc gia ở Nam bán cầu.

QG46GOODMRIBTOK57I3NAOPRLQ_jpg
Ngoại trưởng Indonesia, ông Sugiono, trong buổi lễ chào mừng tại sân bay Kazan (Nga) khi ông đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS, ngày 22/10/2024 - Ảnh: REUTERS

Giáo sư về quan hệ quốc tế Yohanes Sulaimantại thuộc Đại học Jenderal Achmad Yani (Indonesia) nhận định việc Indonesia muốn gia nhập BRICS cho thấy nước này không muốn bỏ lỡ những lợi ích đến từ các mối quan hệ hợp tác song phương và đa phương, và điều đó không hẳn mang ý nghĩa chính sách đối ngoại của ông Prabowo thiên về phương Đông hơn là phương Tây.

Ngoài BRICS, Indonesia trong năm nay - trước khi ông Prabowo trở thành Tổng thống - từng tuyên bố đặt mục tiêu chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong vòng 2 đến 3 năm, theo Reuters.

2024_10_23_156477_1729673602._large_jpg(1)
Một cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan, Nga, ngày 23/10/2024 - Ảnh: REUTERS

BRICS là tổ chức của các quốc gia có nền kinh tế mới nổi quy mô lớn được thành lập cách đây 15 năm với các thành viên ban đầu gồm Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và Nam Phi.

Gần đây, BRICS đã mở rộng và hiện bao gồm Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), chiếm 40% dân số thế giới và khoảng 35% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hơn 30 quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS.

Từ viết tắt BRIC được Goldman Sachs sử dụng lần đầu tiên vào năm 2001 trong bài báo về kinh tế toàn cầu, nhận định các nền kinh tế của Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh không gian kinh tế lớn hơn và sẽ nằm trong số những nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 50 năm tiếp theo.

Bình luận