Tiêu điểm: Nhân Humanity

Iran: Người dân xuống đường biểu tình sau khi giá xăng tăng

(VOH) - Các cuộc biểu tình đã lan rộng ra ít nhất 40 thành phố và thị trấn tại Iran vào ngày 16/11, một ngày sau khi Tehran thông báo tăng giá và áp dụng cơ chế phân phối xăng dầu.

Cụ thể, giá xăng sẽ được điều chỉnh lên gấp rưỡi, từ 10.000 rial/lít (khoảng 5.500 đồng) lên 15.000 rial/lít (khoảng 8.100 đồng), tức tăng khoảng 2.600 đồng/lít.

Iran: Người dân xuống đường biểu tình sau khi giá xăng tăng 1 ngày

Một nhóm biểu tình chặn xe cộ trên một tuyến đường của thủ đô Tehran để phản đối tăng giá xăng ngày 16/11. Ảnh: Reuters

Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei ngày 17/11 đã phải lên tiếng trước các cuộc biểu tình trên khắp cả nước sau khi chính phủ điều chỉnh giá xăng.

Đồng thời, ông Khamenei cũng cáo buộc "các thế lực thù địch" đứng sau những cuộc bạo loạn chết người những ngày qua ở Iran và ông nhấn mạnh việc điều chỉnh giá xăng được tiến hành theo sự khuyến cáo và tính toán kỹ lưỡng của các chuyên gia.

Theo Hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA), giá xăng dầu rất thấp do được trợ giá đã dẫn tới tình trạng tiêu thụ xăng dầu tăng mạnh khi người dân Iran mua trung bình 90 triệu lít/ngày. Trong đó, số xăng dầu bị buôn lậu ước tính rơi vào khoảng 10-20 triệu lít/ngày.

Hãng tin Reuters cho biết, nhiều người Iran xem giá xăng rẻ như một quyền lợi công dân nên khi bị tước đi điều này đã tức giận xuống đường biểu tình. Mặc dù, giới chức Iran cam kết tiền thu được từ việc tăng giá xăng sẽ được dùng để trợ cấp bổ sung cho 60 triệu người đang trong tình cảnh khó khăn, đồng thời giá taxi và các phương tiện công cộng khác sẽ không thay đổi.

Việc xăng dầu tăng giá cũng dẫn tới lo ngại chi phí sinh hoạt tại Iran sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang gặp khó khăn vì các lệnh cấm vận của Mỹ.

Hiện giới chức Iran đang lo ngại lặp lại kịch bản của tình trạng náo loạn cuối năm 2017, khi người dân Iran xuống đường biểu tình ở 80 thành phố và thị trấn vì các tiêu chuẩn sống nghèo nàn, khiến 22 người thiệt mạng.

Bình luận