Tiêu điểm: Nhân Humanity

Lebanon: Đụng độ biểu tình giữa lúc phong tỏa, 1 người chết 220 người bị thương

(VOH) – Các vụ đối đầu bạo lực giữa người biểu tình và lực lượng an ninh tại miền bắc Lebanon đã khiến 1 người đàn ông thiệt mạng và hơn 220 người bị thương, truyền thông nhà nước đưa tin hôm 28/1.

Đụng độ nổ ra sau khi sự thất vọng trong người dân bùng lên trong bối cảnh điều kiện sống bị giảm sút và các biện pháp phong tỏa phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt.

bieu-tinh-lebanon-voh.com.vn-1
Quân đội Lebanon dùng khiên tránh đá do người biểu tình ném. Ảnh: AP

Bạo lực ở Tripoli, thành phố lớn thứ hai và là nơi nghèo khó nhất của Lebanon, đã đánh dấu sự leo thang nghiêm trọng trong các cuộc biểu tình bắt đầu từ thứ Hai và tiếp tục trong ba ngày liên tiếp đến đêm thứ Tư.

Hàng chục nam thanh niên đã tham gia các cuộc biểu tình trong đêm, ném đá vào lực lượng an ninh và một số trường hợp còn đốt phá xe cộ.

Hôm thứ Tư, những người biểu tình tiếp tục cố gắng phá vòng vây để tiến vào khu tòa nhà chính quyền thành phố. Một số ném lựu đạn vào lực lượng an ninh, buộc lực lượng này đáp trả bằng vòi rồng, hơi cay và cuối cùng là đạn thật.

bieu-tinh-lebanon-voh.com.vn-2
Người biểu tình tại Lebanon chắn đường, châm lửa đốt các thùng rác. Ảnh: AP

Cơ quan Thông tấn Quốc gia Lebanon cho biết 226 đã bị thương trong các vụ xô xát, bao gồm 26 cảnh sát. Một người đàn ông 30 tuổi đã tử vong do bị thương nặng. Hội Chữ Thập Đỏ cho biết đã chuyển 35 nạn nhân bị thương đến bệnh viện.

Chính quyền Lebanon gần một tháng qua đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc và giới nghiêm suốt ngày đêm kéo dài cho đến ngày 8/2, trong bối cảnh có sự gia tăng nghiêm trọng các ca nhiễm COVID-19. Các biện pháp này đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính trước đại dịch ở quốc gia Địa Trung Hải nhỏ bé với gần 5 triệu người và hơn 1 triệu người tị nạn này.

Đồng tiền của Lebanon đã lao dốc, mất hơn 80% giá trị. Các ngân hàng đã phải áp đặt các biện pháp kiểm soát trong việc rút tiền và chuyển tiền để bảo vệ nguồn dự trữ ngoại hối đang ngày càng cạn kiệt. Tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát đã tăng vọt và hàng chục nghìn người đã rơi vào cảnh nghèo đói.

Trong khi các cuộc biểu tình mang vẻ bề ngoài là phản đối các biện pháp đóng cửa, chúng phản ánh sự tức giận ngày càng tăng về sự bất lực và sơ suất của chính quyền trước tình hình khủng hoảng của đất nước.

Một cuộc tranh giành quyền lực giữa tổng thống và thủ tướng do thủ tướng chỉ định và tranh giành các ghế trong Nội các đã cản trở việc hình thành một chính phủ mới, điều cốt yếu để ban hành các cải cách nhằm mở khóa tiếp nhận hỗ trợ tài chính từ nước ngoài. Chính phủ từ chức vào tháng 8, sau vụ nổ lớn tại cảng Beirut khiến hơn 200 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.

Các rắc rối ngày càng chồng chất thêm kể từ đó, bao gồm sự gia tăng mới đây các ca SARS-CoV-2, bị đổ lỗi do quyết định nới lỏng các biện pháp đóng cửa cho kỳ nghỉ năm mới. Có khoảng 80.000 công dân sinh sống ở nước ngoài di chuyển về nước để ăn mừng Giáng Sinh và Năm Mới với gia đình và bạn bè.

Các bệnh viện hiện đã quá tải với lượng bệnh nhân COVID-19, báo cáo gần như kín chỗ trong các giường bệnh trong phòng chăm sóc đặc biệt. Đang có tình trạng thiếu máy tạo oxy và máy thở. Gần 290.000 ca nhiễm đã được ghi nhận kể từ tháng 2 năm ngoái và 2.553 ca tử vong trong bối cảnh số ca tử vong hàng ngày do COVID-19 phá kỷ lục.

Tầng lớp cầm quyền tại Lebanon phải đối mặt với sự giận dữ tăng cao từ khi những người biểu tình xuống đường hồi tháng 10/2019 trong một phong trào biểu tình lớn nhất từ trước đến nay trên toàn quốc.

Những người biểu tình cáo buộc họ quản lý sai và cướp đi nguồn tài nguyên của đất nước và khiến đất nước rơi vào cảnh đói nghèo. Các cuộc biểu tình sau đó đã tàn lụi, một phần vì đại dịch nhưng cũng vì giai cấp chính trị nắm quyền và sự chia rẽ nổi lên giữa những người biểu tình.

Bình luận