Libya đào mộ chôn tập thể nạn nhân chết vì lũ quét, WHO lên tiếng

VOH - Nhu cầu chôn cất thi thể để tránh lây lan dịch bệnh tại Libya tăng cao đến mức có nơi hàng trăm người được chôn tập thể trong một ngôi mộ.

Trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát, 2.500 thi thể đã được chôn cất vội vàng trong ba ngày đầu tiên kể từ khi trận lũ quét phá hủy 25% diện tích Derna.

Nhiều bệnh viện trong thành phố sụp đổ. Các bệnh viện, nhà xác còn lại quá tải, không thể quản lý lượng thi thể đổ về quá nhiều.

Libya đào mộ chôn tập thể nạn nhân chết vì lũ quét, WHO lên tiếng 1
Một phần mộ tập thể ở nghĩa trang Martoba, Libya. Ảnh: CNN

Trong tuyên bố chung do WHO cùng Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ Quốc tế (IFRC) đưa ra có kêu gọi quản lý tốt hơn việc chôn cất qua các ngôi mộ riêng lẻ được phân định rõ ràng và có thông tin dữ liệu.

Các cơ quan này đồng thời cho rằng việc chôn cất vội vàng có thể dẫn đến đau khổ tinh thần lâu dài cho thành viên trong gia đình các nạn nhân và phát sinh nhiều vấn đề xã hội, pháp lý.

Đồng thời cho rằng thi thể các nạn nhân của thiên tai “hầu như không bao giờ” gây ra mối đe dọa về sức khỏe. Trừ trường hợp các thi thể được chôn ở trong hoặc gần nguồn cung cấp nước ngọt.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gần 4.000 người đã thiệt mạng ở Derna sau khi bão Daniel gây mưa lớn, làm vỡ hai con đập trên thượng nguồn con sông chảy qua thành phố. Hàng nghìn người chưa được tìm thấy, được cho là đã lũ cuốn ra biển.

Dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết trên 40.000 người đã phải di dời khắp vùng Đông Bắc Libya, nhưng cảnh báo con số có thể còn cao hơn.

Nước lũ đã cuốn trôi mìn và các loại vũ khí khác còn sót lại sau nhiều năm xung đột nội chiến, gây thêm rủi ro cho dòng người sơ tán. 

Bình luận