Theo báo cáo mới nhất từ Cơ quan Giám sát Biến đổi Khí hậu Copernicus (EU) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) hơn 300 người thiệt mạng, 413.000 người bị ảnh hưởng và thiệt hại kinh tế vượt 20,5 tỷ USD - một con số kỷ lục kể từ năm 2013.
Trong năm qua, nhiều khu vực rộng lớn trên khắp châu Âu từ Valencia (Tây Ban Nha) đến các vùng Trung và Đông Âu đã bị nhấn chìm trong nước lũ. Gần 30% mạng lưới sông ngòi trên lục địa trải qua tình trạng ngập lụt nghiêm trọng.
Bão Boris vào tháng 9/2024 đã trút xuống lượng mưa khổng lồ tương đương ba tháng chỉ trong vỏn vẹn 5 ngày, ảnh hưởng đến hơn 8 quốc gia.

Một tháng sau, Valencia hứng chịu thảm họa tồi tệ nhất trong hơn 50 năm với 227 người tử vong do mưa lớn từ bão kết hợp hơi ẩm Địa Trung Hải.
Theo Copernicus, 2024 là một trong 10 năm mưa nhiều nhất châu Âu kể từ 1950. Hầu hết các khu vực Tây Âu cũng ghi nhận những tháng ẩm ướt bất thường kéo dài quanh năm.
Samantha Burgess, đại diện Copernicus, khẳng định đây là hệ quả trực tiếp của biến đổi khí hậu, với cảnh báo nghiêm trọng: “Những cơn bão cực đoan này sẽ còn trở lại, và sẽ còn mạnh mẽ hơn.”
Châu Âu hiện là lục địa ấm lên nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng nhiệt gấp đôi mức trung bình toàn cầu kể từ thập niên 1980. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khoảng trống trong khả năng ứng phó. Dù đã có cải thiện, chỉ khoảng 50% thành phố châu Âu hiện có kế hoạch thích ứng quốc gia để đối phó với thiên tai khí hậu tăng từ mức 25% năm 2018.