Mạng lưới lừa đảo châu Á bành trướng toàn cầu, lan đến châu Phi và Mỹ Latin

VOH - Báo cáo từ LHQ cảnh báo về sự bành trướng của các trung tâm lừa đảo xuất phát từ Đông Á và Đông Nam Á đang lan tới châu Phi, Mỹ Latin, Trung Đông và cả các hòn đảo ở Thái Bình Dương.

Theo Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), những nhóm tội phạm có tổ chức đang lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý và pháp luật ở các khu vực xa xôi để dựng lên các trung tâm lừa đảo hoạt động như một ngành công nghiệp siêu lợi nhuận.

Chúng không chỉ dừng lại ở các chiêu trò như lừa đảo tình cảm, giả mạo đầu tư hay cá cược bất hợp pháp, mà còn mở rộng sang đánh cắp dữ liệu, rửa tiền, lừa đảo tiền mã hóa và sử dụng công nghệ cao như AI và deepfake.

Các công dân nước ngoài được giải cứu tại một địa điểm thực hiện những hoạt động lừa đảo ở miền Đông Myanmar vào cuối tháng 2 Ảnh Kyodo
Các công dân nước ngoài được giải cứu tại một địa điểm thực hiện những hoạt động lừa đảo ở miền Đông Myanmar vào cuối tháng 2 Ảnh: Kyodo

Nigeria đã trở thành điểm nóng mới với hàng loạt vụ triệt phá các tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Zambia, Angola, và nhiều nơi khác như Brazil, Peru, cũng như một số quốc gia Trung Đông.

Ông Benedikt Hofmann – quyền đại diện UNODC khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương, cho rằng sự lan rộng này là một phần chiến lược của tội phạm: "vừa là sự phát triển tất yếu của một ngành công nghiệp béo bở, vừa là phương án phân tán rủi ro nhằm né tránh các đợt truy quét từ lực lượng chức năng".

Ở Đông Nam Á, các trung tâm lừa đảo từng tập trung ở biên giới Campuchia, Lào, Myanmar và Philippines.

Khi bị truy quét, chúng nhanh chóng di chuyển sang các khu công nghiệp khác, tiếp tục tái cấu trúc và mở rộng hoạt động. Một số nơi còn được xây dựng hạ tầng pháp lý và tài chính đủ mạnh để bảo vệ cho hoạt động phi pháp.

Báo cáo của UNODC ước tính hiện có hàng trăm trung tâm lừa đảo quy mô công nghiệp trên toàn cầu, mang lại lợi nhuận gần 40 tỷ USD mỗi năm.

Chúng vận hành nhờ đội ngũ nhân lực khổng lồ gồm cả nạn nhân bị buôn bán và những cá nhân đồng lõa, sử dụng kỹ năng đa ngôn ngữ để mở rộng địa bàn.

Đáng lo ngại hơn, các mạng lưới này còn sử dụng tiền điện tử và hệ thống ngân hàng ngầm để rửa tiền và che giấu dòng tiền bất hợp pháp, làm suy yếu hệ thống tài chính quốc tế.

Chuyên gia UNODC ví các trung tâm lừa đảo như một khối ung thư di căn, dù có bị triệt tiêu ở một khu vực, nhưng rễ của nó vẫn tiếp tục sinh sôi ở nơi khác, tạo ra hệ sinh thái tội phạm gắn liền với tham nhũng và bất ổn xã hội.

Liên Hợp Quốc kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin và nâng cao năng lực chống tội phạm công nghệ cao để đối phó với làn sóng tội phạm toàn cầu đang ngày càng tinh vi và nguy hiểm này.

Bình luận