Tiêu điểm: Nhân Humanity

Microsoft yêu cầu hàng trăm nhân viên rời Trung Quốc

VOH - Microsoft đang yêu cầu khoảng 700 đến 800 nhân viên làm việc trong lĩnh vực điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại Trung Quốc chuyển ra nước ngoài.

Wall Street Journal đưa tin hôm 16/5 rằng, các nhân viên của Microsoft, chủ yếu là kỹ sư có quốc tịch Trung Quốc, đầu tuần đã đưa ra lựa chọn chuyển sang các quốc gia bao gồm Mỹ, Ireland, Úc và New Zealand - trích dẫn một nguồn tin quen thuộc với vấn đề này.

microsoft-160524
Logo Microsoft tại tòa nhà văn phòng của hãng ở Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Động thái này diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng leo thang khi chính quyền Tổng thống Joe Biden siết chặt các lĩnh vực nhập khẩu khác nhau của Trung Quốc, bao gồm pin xe điện (EV), chip máy tính và các sản phẩm y tế.

Người phát ngôn của Microsoft nói, việc cung cấp các cơ hội nội bộ là một phần trong hoạt động kinh doanh toàn cầu của hãng và xác nhận công ty đã 'chia sẻ cơ hội luân chuyển nội bộ tùy chọn với một nhóm nhỏ nhân viên'.

Reuters đưa tin vào đầu tháng này rằng, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang xem xét quy định pháp lý mới nhằm hạn chế xuất khẩu các mô hình AI nguồn đóng hoặc độc quyền, có phần mềm và dữ liệu được đào tạo về nó được giữ bí mật.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Microsoft nói, công ty vẫn cam kết sẽ tiếp tục hoạt động tại Trung Quốc.

Microsoft chưa trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters về vấn đề này.

Sau khi khánh thành phòng lab nghiên cứu công nghệ tiên tiến tại Bắc Kinh (Trung Quốc) mang tên Microsoft Research Asia vào năm 1998, Microsoft thuê hàng trăm nhà nghiên cứu để phát triển công nghệ nhận diện giọng nói, hình ảnh và khuôn mặt.

Đó là nền tảng cho những mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) phía sau nhiều chatbot nổi tiếng hiện nay như ChatGPT hay Copilot.

Tuy nhiên, do căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng theo thời gian, Microsoft bị nhiều quan chức Mỹ đặt câu hỏi về khả năng duy trì phòng nghiên cứu tại Bắc Kinh.

Công ty từng cho biết đã thắt chặt quy định tại cơ sở, hạn chế nhóm nghiên cứu tham gia các công việc nhạy cảm về chính trị.

Bình luận