Tiêu điểm: Nhân Humanity

Mức phát thải khí carbon trên thế giới năm 2020 giảm 7% do đại dịch COVID-19

(VOH) - Các số liệu sơ bộ mới cho thấy, một thế giới bị kềm hãm bởi đại dịch đã cắt giảm 7% lượng khí thải carbon dioxide trong năm nay, mức giảm lớn nhất từ trước đến nay.

Dự án Carbon Toàn cầu, một nhóm có thẩm quyền gồm hàng chục nhà khoa học quốc tế theo dõi lượng khí thải, đã tính toán rằng thế giới sẽ thải vào không khí 34 tỷ tấn carbon dioxide trong năm 2020. Con số này giảm so với 36,4 tỷ tấn vào năm 2019, theo một nghiên cứu được công bố hôm thứ Năm 10/12 trên tạp chí Earth System Science Data.

Ảnh minh họa

Các nhà khoa học cho biết sự sụt giảm này chủ yếu là do mọi người ở nhà, ít di chuyển bằng ô tô và máy bay hơn, và lượng khí thải dự kiến sẽ tăng trở lại sau khi đại dịch kết thúc. Giao thông vận tải trên mặt đất chiếm khoảng 1/5 lượng khí thải carbon dioxide, loại khí giữ nhiệt chủ yếu do con người tạo ra.

Một nhóm nhà khoa học tương tự nhiều tháng trước cũng dự đoán lượng phát thải giảm từ 4% đến 7%, phụ thuộc vào sự tiến triển của COVID-19. Một làn sóng lây nhiễm thứ hai và các hạn chế di chuyển tiếp diễn đã đẩy tỷ lệ này lên 7%, theo nhà khoa học về khí hậu Corinne LeQuere, đồng tác giả của nghiên cứu.

Lượng phát thải giảm 12% ở Mỹ và 11% ở Châu Âu, nhưng chỉ 1,7% ở Trung Quốc. Đó là bởi vì Trung Quốc đã có một đợt đóng cửa trước đó và đợt bùng phát thứ hai ít nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, lượng khí thải của Trung Quốc dựa trên nền tảng công nghiệp nhiều hơn các nước khác và ngành công nghiệp của nước này ít bị ảnh hưởng hơn so với giao thông vận tải, LeQuere nói.

Các tính toán - dựa trên các báo cáo chi tiết việc sử dụng năng lượng, sản xuất công nghiệp và số lượng di chuyển hàng ngày - đã được các nhà khoa học khác không cùng nghiên cứu ca ngợi là chính xác.

Ngay cả với sự sụt giảm vào năm 2020, trung bình thế giới đưa vào không khí 1.075 tấn carbon dioxide mỗi giây.

Số liệu cuối cùng của năm 2019 được công bố trong cùng nghiên cứu cho thấy từ 2018 đến 2019, lượng phát thải của những loại khí chính gây hiện tượng nóng lên do con người tạo ra đã chỉ tăng 0,1%, ít hơn con số tăng 3% hàng năm ghi nhận trong vòng một hoặc hai thập kỷ qua.

Ngay cả khi lượng khí thải dự kiến sẽ tăng lên sau đại dịch, các nhà khoa học vẫn đang tự hỏi liệu năm 2019 có phải là đỉnh điểm của ô nhiễm carbon hay không, LeQuere cho biết.

“Chúng ta chắc chắn đang ở rất gần đỉnh phát thải, nếu chúng ta có thể giữ cho cộng đồng toàn cầu kết nối gần lại với nhau", Giám đốc Phát triển Liên hợp quốc Achim Steiner cho biết.

Chris Field, giám đốc Viện Môi trường Stanford Woods, cho rằng lượng khí thải sẽ tăng lên sau đại dịch, nhưng cho biết “lạc quan rằng xã hội chúng ta đã học được một số bài học có thể giúp giảm lượng khí thải trong tương lai”.

Bình luận