Ngày 14/4, Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ chính thức áp thuế chống bán phá giá đối với hầu hết cà chua nhập khẩu từ Mexico, với mức thuế lên tới 20,9%, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14/7/2025.
Theo tuyên bố từ Bộ Thương mại, quyết định này xuất phát từ việc thỏa thuận đình chỉ năm 2019 không còn hiệu quả trong việc bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ trước làn sóng cà chua giá rẻ từ Mexico.
"Hành động này sẽ cho phép các nhà trồng cà chua Mỹ cạnh tranh công bằng trên thị trường," cơ quan này nhấn mạnh.

Năm 2019, Mỹ và Mexico từng đạt được một thỏa thuận đình chỉ điều tra chống bán phá giá, theo đó Mexico cam kết không bán cà chua sang Mỹ với giá thấp hơn giá tối thiểu đã thỏa thuận, đổi lại Mỹ sẽ không áp thuế.
Tuy nhiên, phía Mỹ cho rằng thỏa thuận không đạt được hiệu quả mong muốn, khi lượng cà chua giá rẻ từ Mexico vẫn tiếp tục đổ vào thị trường Mỹ, ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp trong nước.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, Mexico hiện là nhà cung cấp cà chua tươi lớn nhất cho thị trường Mỹ, chiếm phần lớn tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này.
Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi thuế chống bán phá giá đối với cà chua, nhưng Mexico không nằm trong danh sách các nước bị Mỹ áp thuế đối ứng 10% theo chương trình mới do Tổng thống Mỹ công bố ngày 3/4.
Bộ trưởng Tài chính Mexico Marcelo Ebrard xác nhận thông tin này ngày 10/4, nhấn mạnh rằng các sản phẩm thuộc khuôn khổ Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) – trong đó có nhiều mặt hàng nông sản, điện và điện tử – sẽ được miễn thuế.
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cũng khẳng định, Mexico đang ở vị thế thuận lợi hơn nhiều quốc gia khác nhờ các điều khoản của USMCA.
Động thái của Mỹ cho thấy một bước lùi trong quan hệ thương mại giữa hai nước láng giềng.
Dù chưa gây ra tranh chấp lớn, việc khôi phục thuế chống bán phá giá sẽ là thử thách với ngành nông nghiệp Mexico, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Mỹ.
Phía Mexico hiện chưa đưa ra phản hồi chính thức về quyết định chấm dứt thỏa thuận và áp thuế của Mỹ. Giới quan sát cho rằng, hai bên sẽ cần đàm phán lại để tránh ảnh hưởng lâu dài đến chuỗi cung ứng nông sản trong khu vực Bắc Mỹ.