Mỹ đảo ngược chính sách thị thực: Cú "quay xe" của chính quyền Trump

MỸ - Sau nhiều tuần đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội, chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định đảo ngược hoàn toàn việc chấm dứt hồ sơ thị thực của hàng ngàn sinh viên quốc tế.

Đây được xem là một trong những “cú quay xe” gây chú ý nhất liên quan đến chính sách giáo dục và nhập cư trong nhiệm kỳ của ông.

Làn sóng phản đối khiến chính quyền phải nhượng bộ

Ngày 25/4, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo với tòa án liên bang rằng chính quyền sẽ khôi phục hồ sơ SEVIS - hệ thống theo dõi sinh viên quốc tế do các trường và liên bang phối hợp vận hành cho hàng ngàn sinh viên nước ngoài từng bị chấm dứt thị thực trước đó.

Đây là bước đi bắt buộc sau khi hơn 100 vụ kiện được đệ trình trên khắp nước Mỹ, trải dài ít nhất 23 bang khiến nhiều tòa án liên bang ban hành lệnh khẩn cấp yêu cầu chính quyền dừng ngay hành động đơn phương này.

Việc chấm dứt hồ sơ SEVIS một cách bất ngờ khiến nhiều sinh viên quốc tế rơi vào tình cảnh bị mất tư cách cư trú hợp pháp, đối mặt nguy cơ bị trục xuất. Đáng chú ý, một số sinh viên bị ảnh hưởng chỉ còn cách thời điểm tốt nghiệp vài tuần, nhưng bị “bốc khỏi hệ thống” mà không nhận được lý do rõ ràng.

Các thẩm phán liên bang nhiều lần chỉ trích sự thiếu minh bạch và vô trách nhiệm trong cách xử lý của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE). Trước sức ép ngày càng lớn, ICE buộc phải ra thông báo tạm giữ nguyên trạng hồ sơ SEVIS của sinh viên, đồng thời tiến hành khôi phục các hồ sơ đã bị xóa.

VISA MỸ
Ảnh minh họa

Chính quyền cam kết "mềm hóa", nhưng vẫn giữ quyền hành động

Trong tuyên bố mới nhất, ICE cho biết sẽ không chấm dứt hồ sơ SEVIS chỉ dựa trên kết quả kiểm tra lý lịch liên quan các tội nhẹ hoặc các vụ án đã bị bác bỏ, nhưng vẫn giữ quyền hủy hồ sơ nếu sinh viên vi phạm nghiêm trọng Đạo luật Di trú và Quốc tịch Mỹ.

Tuy vậy, vẫn còn một điểm chưa rõ ràng: liệu Bộ Ngoại giao Mỹ có hoàn tác các lệnh hủy thị thực đã ban hành trước đó hay không.

Theo một quan chức liên bang, cơ quan này đang tiến hành rà soát. Đáng chú ý, trước đó Ngoại trưởng Marco Rubio đã từng chỉ đạo hủy thị thực của hàng chục sinh viên nước ngoài bị cáo buộc ủng hộ Palestine, một động thái gây tranh cãi dữ dội về tính công bằng và tự do học thuật.

Chỉ vài ngày trước khi chính quyền đảo chiều chính sách, ngày 22/4, hàng loạt lãnh đạo trường đại học, cao đẳng và các hiệp hội học thuật Mỹ đã đồng loạt lên tiếng chống lại sự can thiệp thái quá của chính phủ vào hệ thống giáo dục.

Trong tuyên bố chung, các trường khẳng định: họ hoan nghênh các cải cách hợp lý, nhưng sẽ kiên quyết phản đối mọi hành động làm xói mòn quyền tự do học thuật, quyền tuyển sinh, xây dựng chương trình và lựa chọn giảng viên.

Đặc biệt, các trường nhấn mạnh rằng hệ thống giáo dục đại học Mỹ với tính đa dạng và sáng tạo là nền tảng cho nền dân chủ, đổi mới, và vị thế toàn cầu của nước Mỹ. Việc làm suy yếu hệ sinh thái này không chỉ ảnh hưởng đến sinh viên quốc tế mà còn đe dọa lợi ích quốc gia lâu dài.

Diễn biến mới nhất cho thấy giáo dục đại học đang trở thành mặt trận đối đầu giữa chính phủ và cộng đồng học thuật. Các trường đại học vốn từng im lặng trong nhiều vấn đề chính sách nay đã chủ động phản ứng quyết liệt khi thấy quyền tự chủ bị đe dọa.

Theo thống kê, sinh viên nước ngoài mang lại hàng chục tỷ USD mỗi năm cho kinh tế Mỹ, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu, khoa học và phát triển công nghệ. Việc đánh mất niềm tin từ cộng đồng này có thể làm suy yếu sức hấp dẫn toàn cầu của Mỹ như một điểm đến học thuật hàng đầu.

Bình luận