Mỹ - Iran nối lại đối thoại hạt nhân, tiếp tục thảo luận vào tuần tới

VOH - Cuộc đàm phán gián tiếp đầu tiên giữa Mỹ và Iran dưới sự trung gian của Oman diễn ra ngày 12/4 đã khép lại trong bầu không khí được cả hai phía đánh giá là hiệu quả và mang tính xây dựng.

Các bên thống nhất sẽ gặp lại vào ngày 19/4 để tiếp tục thảo luận về chương trình hạt nhân của Tehran.

Cuộc gặp kéo dài khoảng 2 tiếng rưỡi, diễn ra tại thủ đô Muscat của Oman, với sự tham gia của Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi và Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff. Dù không đối thoại trực tiếp, hai bên vẫn duy trì trao đổi thông qua trung gian là Ngoại trưởng Oman, người đã di chuyển qua lại giữa hai phái đoàn ít nhất 4 lần để truyền đạt thông tin và quan điểm.

my iran_voh
Đặc phái viên về Trung Đông Steve Witkoff và Ngoại trưởng Abbas Araghichi - Ảnh: Reuters

Phát biểu sau cuộc đàm phán, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cho biết đây là lần đầu tiên hai bên có cuộc tiếp xúc – dù là gián tiếp – kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, và là cuộc gặp có ý nghĩa quan trọng.

"Chúng tôi đã có một phiên làm việc trong bầu không khí bình tĩnh, tôn trọng và hiệu quả. Không có ngôn từ khiêu khích nào được sử dụng. Cả hai bên đều thể hiện cam kết tiếp tục đối thoại để hướng tới một thỏa thuận hạt nhân có thể chấp nhận được, dựa trên sự công bằng và bình đẳng", ông Araghchi nói.

Phía Mỹ cũng đánh giá cuộc gặp là "rất tích cực và mang tính xây dựng". Một quan chức Nhà Trắng cho biết mục tiêu của Washington là đạt được thỏa thuận mới trong thời gian sớm nhất, song thừa nhận đây sẽ là một tiến trình không dễ dàng do các khác biệt còn khá lớn.

Sau phiên đàm phán chính thức, hai phái đoàn tình cờ chạm mặt khi rời địa điểm họp và đã có một cuộc trao đổi ngắn mang tính xã giao. Ông Araghchi khẳng định đây chỉ là một hành động lịch sự trong ngoại giao và không mang tính đàm phán trực tiếp.

Việc nối lại đối thoại giữa hai quốc gia từng có nhiều căng thẳng được xem là một bước đi quan trọng. Dù vậy, cả hai vẫn tỏ ra thận trọng. Iran tuyên bố sẵn sàng trao cho Mỹ một "cơ hội thực sự" để đạt được thỏa thuận, song không giấu được sự hoài nghi với chính quyền Tổng thống Trump – người từng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (JCPOA) và nhiều lần đe dọa sử dụng biện pháp quân sự.

Iran cảnh báo rằng nếu Mỹ tấn công quân sự, các căn cứ của Mỹ tại khu vực sẽ không an toàn và những nước đồng minh trong khu vực tham gia vào bất kỳ hành động nào như vậy sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Oman, quốc gia thường giữ vai trò trung gian trong các căng thẳng tại Trung Đông, khẳng định sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ cho tiến trình đàm phán. Chính phủ nước này đánh giá cuộc gặp vừa qua đã góp phần thu hẹp khác biệt giữa hai bên, tạo cơ sở để tiếp tục đối thoại trong thời gian tới.

Dự kiến, cuộc gặp kế tiếp sẽ diễn ra vào ngày 19/4, cũng tại Muscat. Giới quan sát cho rằng dù còn nhiều trở ngại, việc Mỹ và Iran sẵn sàng ngồi lại với nhau là tín hiệu đáng khích lệ trong bối cảnh căng thẳng khu vực vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Kết quả của các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ đóng vai trò then chốt trong việc định hình chính sách hạt nhân của Iran cũng như an ninh khu vực Trung Đông trong thời gian tới.

Bình luận