Động thái của Mỹ được xem là bước đi chiến lược trong nỗ lực tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai đồng minh, đồng thời thúc đẩy sự hiện diện quân sự của Washington tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao Mỹ, thương vụ này sẽ "cải thiện an ninh cho một đối tác chiến lược", đồng thời góp phần củng cố vai trò của Philippines như một lực lượng quan trọng đối với "sự ổn định chính trị, hòa bình và tiến bộ kinh tế ở Đông Nam Á".

Việc chuyển giao các máy bay F-16 dự kiến sẽ nâng cao đáng kể năng lực của Không quân Philippines, đặc biệt trong việc dự báo tình hình và tăng cường khả năng đối phó với các hệ thống phòng không đối phương.
Đây được xem là các yếu tố then chốt khi tình hình an ninh khu vực đang ngày càng trở nên phức tạp bởi các căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là tại Eo biển Đài Loan và Biển Đông; và trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy mạnh chính sách xoay trục chiến lược sang châu Á và từng bước giảm bớt sự hiện diện tại châu Âu.

Trước đó trong chuyến thăm thủ đô Manila của Philippines ngày 27/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nhấn mạnh cam kết "vững như bàn thạch" đối với hiệp ước quốc phòng giữa Mỹ và Philippines.
Ông cho biết Washington sẽ giải ngân 500 triệu USD từ quỹ viện trợ nước ngoài bị đóng băng để hỗ trợ Philippines nâng cấp năng lực quốc phòng.
"Chúng tôi quyết tâm, tại thời khắc này, hợp tác với các đối tác của mình, tái thiết tinh thần chiến binh, xây dựng lại quân đội và khả năng răn đe", ông Hegseth phát biểu, đồng thời cam kết "tái lập khả năng răn đe tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Ngày 28/3, Mỹ đã cùng Nhật Bản và Philippines tiến hành cuộc tập trận hải quân chung tại Biển Đông, gần bãi cạn Scarborough.
Cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng phối hợp ứng phó khủng hoảng và gửi thông điệp răn đe rõ ràng trong bối cảnh khu vực tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức an ninh.