Tiêu điểm: Nhân Humanity

Mỹ - Trung cam kết không để AI kiểm soát vũ khí hạt nhân

VOH - Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý rằng việc ra quyết định về sử dụng vũ khí hạt nhân nên do con người thực hiện thay vì trí tuệ nhân tạo (AI).

Thông cáo từ Nhà Trắng sau cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 16/11 tại hội nghị APEC, hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì quyền kiểm soát của con người trong các quyết định liên quan đến vũ khí hạt nhân.

Ông Biden và ông Tập cũng kêu gọi đánh giá cẩn trọng những rủi ro tiềm tàng và áp dụng một cách có trách nhiệm các công nghệ AI trong lĩnh vực quân sự.

Về phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nước này chưa đưa ra thông cáo chính thức, nhưng một quan chức chính phủ nước này cũng tóm lược nội dung tương tự.

Hiện chưa rõ liệu thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc có dẫn đến các cuộc đàm phán hoặc hành động cụ thể nào không, nhưng tuyên bố này đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong việc thảo luận giữa hai quốc gia về những vấn đề khó khăn như vũ khí hạt nhân và trí tuệ nhân tạo.

Trong thời gian qua, Washington đã nỗ lực thúc đẩy Bắc Kinh tham gia đàm phán về vũ khí hạt nhân, nhưng các cuộc đối thoại vẫn gặp nhiều bế tắc. Đàm phán giữa hai nước về chủ đề này đã được nối lại vào tháng 11, song chưa có tiến triển rõ rệt.

PGUCOO7IWRI25IR5KMO6S4NJJU_jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Peru, ngày 16/11/2024 - Ảnh: REUTERS

Về lĩnh vực AI, hai nước từng tổ chức các cuộc thảo luận song phương chính thức đầu tiên tại Geneva vào tháng 5, tuy nhiên vấn đề AI liên quan đến vũ khí hạt nhân chưa được đề cập trong các cuộc họp đó.

Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Mỹ năm ngoái, Trung Quốc hiện sở hữu khoảng 500 đầu đạn hạt nhân đang hoạt động và con số này có thể vượt 1.000 vào năm 2030. Trong khi đó, Mỹ và Nga sở hữu lần lượt 1.770 và 1.710 đầu đạn. Lầu Năm Góc dự báo rằng vào năm 2030, phần lớn vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể sẽ được đặt trong trạng thái sẵn sàng cao hơn.

Kể từ năm 2020, Trung Quốc đã tăng tốc hiện đại hóa chương trình hạt nhân, bao gồm việc sản xuất thế hệ tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo mới, thử nghiệm đầu đạn siêu vượt âm và tổ chức tuần tra thường xuyên trên biển với vũ khí hạt nhân. Những động thái này đã giúp Trung Quốc phát triển "bộ ba hạt nhân" - một yếu tố đặc trưng của các cường quốc hạt nhân.

Dù vậy, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước và chỉ giữ mức răn đe tối thiểu. Nước này kêu gọi các cường quốc khác áp dụng chính sách tương tự.

Trong các cuộc trao đổi không chính thức gần đây với học giả và cựu quan chức Mỹ, các học giả Trung Quốc khẳng định rằng chính sách của họ không thay đổi, đồng thời chỉ trích phương Tây đang "phóng đại hóa" vấn đề.

Bình luận