Theo báo cáo, Trung Quốc đang nỗ lực thống trị các ngành công nghiệp chiến lược này bằng các biện pháp được cho là "bất hợp lý", gây tổn hại đến thương mại và an ninh kinh tế của Mỹ.
Trung Quốc hiện chiếm ưu thế áp đảo trong sản xuất thiết bị cảng biển như cần cẩu bờ (STS), khung gầm vận chuyển container và nhiều thiết bị hậu cần khác. USTR cảnh báo sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc khiến Mỹ đối mặt rủi ro lớn, chẳng hạn như việc Bắc Kinh có thể thao túng nguồn cung linh kiện hoặc nguyên liệu quan trọng cho cơ sở hạ tầng hàng hải của Mỹ.
Đáp lại, USTR đề xuất áp thuế nhập khẩu bổ sung lên đến 100% đối với các loại cần cẩu STS và thiết bị bốc dỡ có xuất xứ Trung Quốc bao gồm cả những sản phẩm được sản xuất tại nước thứ ba nhưng thuộc sở hữu của doanh nghiệp Trung Quốc.

USTR cũng kiến nghị áp phí cảng đối với tàu Trung Quốc. Trong 180 ngày đầu, phí sẽ là 0 USD, nhưng sau đó tăng dần lên mức 50-140 USD/tấn với tàu do Trung Quốc sở hữu và 18-33 USD/tấn với tàu do Trung Quốc sản xuất.
Các đề xuất này đang được lấy ý kiến công khai kể từ ngày 17/4 và sẽ được bàn luận tại một phiên điều trần sắp tới.
Bối cảnh chính sách này là phần tiếp nối của chiến lược thương mại cứng rắn dưới nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump.
Ông Trump áp thuế tới 145% lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc, thậm chí một số mặt hàng lên tới 245%. Trung Quốc cũng không đứng yên khi đáp trả bằng cách nâng thuế hàng Mỹ, hạn chế xuất khẩu khoáng sản chiến lược và đưa nhiều công ty Mỹ vào danh sách đen.
Phát biểu tại Nhà Trắng cùng ngày, Tổng thống Trump cho biết đang đối thoại với Trung Quốc về vấn đề thuế, tiết lộ Bắc Kinh đã nhiều lần liên hệ sau khi Mỹ nâng thuế toàn diện. Ông tin tưởng rằng hai bên "sẽ đạt được một thỏa thuận rất tốt".