Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nga có kế hoạch xây dựng lại trật tự thế giới mới như thế nào?

VOH - Thời gian gần đây có nhiều động thái cho thấy, Nga muốn thu hút các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi, tận dụng sự thất vọng của họ với phương Tây, để xây dựng trật tự toàn cầu mới.

Tại hội nghị thượng đỉnh tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) vừa diễn ra ở thủ đô Astana của Kazakhstan, Tổng thống Putin đề xuất tạo ra 1 cấu trúc Á - Âu mới, tập trung vào an ninh và phát triển không bị chia cắt. Mô hình này sẽ thay thế cấu trúc đã lỗi thời, xem châu Âu là trung tâm và trao lợi thế quá lớn cho 1 số quốc gia.

c_BRICS
Khoảng 30 quốc gia đang nộp đơn muốn gia nhập BRICS - Ảnh: Sputnik

Các nước đang phát triển là chìa khóa cho sự thành công của tầm nhìn này. Từ khi nhậm chức nhiệm kỳ hiện nay vào tháng 5/2024, Tổng thống Putin đã đi thăm nhiều quốc gia hơn, với hy vọng giành được sự ủng hộ từ các nước đang phát triển. Ông cũng muốn hợp tác với Trung Quốc, để định hình lại cán cân quyền lực toàn cầu.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Astana, SCO đã mời 6 quốc gia không phải thành viên tham dự. Cuối tháng 10 năm nay, nhóm BRICS với 4 thành viên mới, cũng sẽ họp thượng đỉnh tại Nga.

Một quan chức văn phòng Tổng thống Nga nói vào tháng 6 rằng, Thái Lan và Malaysia nằm trong số 30 quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập BRICS. Thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên NATO cũng muốn gia nhập BRICS.

Không giống NATO hay EU, BRICS có khuôn khổ lỏng, không quy định nghĩa vụ hay yêu cầu nghiêm ngặt với thành viên. BRICS muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế nhưng không gây áp lực phải cải cách theo tiêu chuẩn nào đó hoặc phải dân chủ hóa. Điều này giúp khối linh động hơn, dễ xoay xở trước các biến động toàn cầu.

Nhiều chuyên gia tin rằng, chiến lược của Nga là xây dựng liên minh đối trọng với phương Tây, trải dài từ Triều Tiên, Trung Quốc đến Trung Đông. Trật tự đa cực này có thể lấy BRICS và SCO làm điểm tựa.

Lời kêu gọi của Nga về 1 trật tự mới bình đẳng hơn, nhận được sự ủng hộ từ nhiều nước đang phát triển, nhất là đối tác muốn trở nên nổi bật hơn trên trường quốc tế.

Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản được cho là phản ứng chậm trước sự thay đổi trên. Mặc dù vẫn chiếm ưu thế từ sau chiến tranh lạnh, nhưng NATO và G7 đã tụt hậu trong việc lôi kéo các nước đang phát triển ủng hộ những chính sách cốt lõi về kinh tế - chính trị.

Nhiều nước đang phát triển thất vọng khi các tổ chức toàn cầu chậm đổi mới, phương Tây áp đặt tư duy kinh tế, và nhiều nước giàu không nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu. Tháng 6 vừa qua, Thái Lan giải thích mong muốn gia nhập BRICS, là để xây dựng 1 hệ thống quản trị toàn cầu công bằng.

G7 dựa vào giá trị phổ quát như dân chủ và pháp quyền, để chống lại mong muốn của Nga. Tuy nhiên cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, cuộc chiến ở Ukraine hoặc xung đột ở Gaza, đã khiến nhiều nước đang phát triển nản lòng, có xu hướng ủng hộ quan điểm thế giới đa cực.

Không ít nước đang phát triển phản đối cuộc chiến của Nga ở Ukraine, nhưng họ cũng thấy nhu cầu cần khôi phục kinh tế và đảm bảo vai trò của mình lớn hơn trong khu vực lẫn toàn cầu. Một số quốc gia châu Phi tin rằng, phương Tây với chính sách thực dân mới, đã cản trở sự phát triển của họ.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, chính sách của Nga có thành công hay không, còn tùy thuộc vào kết quả cuộc chiến ở Ukraine. Nếu cuộc chiến kết thúc với lợi thế nghiêng về Nga, nhiều quốc gia hơn được dự đoán sẽ hướng tới BRICS và SCO.

Bình luận