Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nga hạn chế xuất khẩu uranium sang Mỹ, căng thẳng thương mại leo thang

VOH - Ngày 15/11, Nga thông báo áp đặt các hạn chế tạm thời đối với xuất khẩu uranium làm giàu sang Mỹ, động thái được xem như phản ứng trước lệnh cấm nhập khẩu uranium Nga của Washington.

Lệnh cấm này, được ký thành luật hồi đầu năm, sẽ có hiệu lực từ tháng 8/2024.

Nga hiện kiểm soát khoảng 44% năng lực làm giàu uranium toàn cầu và là nhà cung cấp chủ chốt cho các lò phản ứng hạt nhân thương mại tại Mỹ. Năm 2023, Nga chiếm 27% tổng lượng uranium làm giàu được Mỹ nhập khẩu.

Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm nay, Mỹ đã giảm nhập khẩu xuống còn 313.050 kg, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo nghị định mới, Nga sẽ tạm dừng xuất khẩu uranium sang Mỹ, nhưng vẫn để ngỏ các điều khoản miễn trừ. Điều này cho phép tiếp tục xuất khẩu trong trường hợp cần thiết để đảm bảo nguồn cung, kéo dài đến năm 2027.

Sputnick
Xưởng luyện kim của nhà máy Niken Norilsk ở Nikel, Nga - Ảnh: Sputnik International

Dù vậy, việc Nga siết chặt xuất khẩu có thể gây tác động lớn đến ngành năng lượng hạt nhân của Mỹ, quốc gia phụ thuộc một phần không nhỏ vào nguồn cung từ Nga.

Động thái này cũng phù hợp với chỉ thị trước đó của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong cuộc họp chính phủ tháng 9, ông Putin đã nhấn mạnh việc cần cân nhắc hạn chế xuất khẩu uranium, titanium và nickel nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Hành động lần này được coi là bước đi đầu tiên hiện thực hóa tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga.

Nga là nhà sản xuất uranium lớn thứ sáu thế giới, đồng thời là đối tác quan trọng của các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Pháp trong việc cung cấp uranium làm giàu. Tuyên bố mới từ Moskva cho thấy nước này không chỉ phản ứng lại các biện pháp của Mỹ mà còn nỗ lực củng cố vị thế trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc không ngừng gia tăng, động thái hạn chế xuất khẩu uranium của Nga được dự báo sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Moskva và Washington. Các chuyên gia cảnh báo việc cắt giảm nguồn cung uranium có thể buộc Mỹ phải tìm kiếm các nguồn thay thế, dẫn đến sự biến động trên thị trường năng lượng hạt nhân quốc tế.

Quyết định này cũng là lời nhắc nhở về vai trò quan trọng của Nga trong chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu, đặc biệt khi nước này tiếp tục sử dụng các biện pháp kinh tế để đáp trả áp lực từ phương Tây. Moscow đang cho thấy rõ rằng họ không chỉ là người chơi lớn trong lĩnh vực năng lượng mà còn sẵn sàng sử dụng nó như một công cụ chiến lược.

 
Bình luận