Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nga lo ngại khi Na Uy gia tăng ngân sách quốc phòng

(VOH) - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bày tỏ lo ngại và cho rằng việc Na Uy gia tăng ngân sách cho phát triển quốc phòng rõ ràng là nhằm vào nước Nga.

Trước đó, Chính phủ Na Uy đã công bố ý định tăng ngân sách quốc phòng trong năm 2019 lên thêm 4 tỷ Krone (tương đương 483 triệu USD). Mức tăng này khoảng 7,3% so với ngân sách được đệ trình trước đó là 58,96 tỷ Krone (tương đương 7,12 tỷ USD). 

Đây là khoản ngân sách giúp củng cố sức mạnh cho lực lượng vũ trang cũng như phục vụ phát triển hệ thống hạ tầng, trang bị khí tài quân sự cho Na Uy. Trong đó Na Uy chú trọng vào phát triển lực lượng Bộ binh, các hạm đội và lực lượng phòng vệ biên giới.

Quân đội Na Uy trong một đợt huấn luyện quân sự. Ảnh: Sputnik

Việc phân bổ thêm ngân sách bổ sung sẽ giúp nước này ứng phó nhanh hơn đối với các mối đe dọa và giúp phát triển khả năng ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột.

Chính phủ Na Uy cũng có ý định tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với NATO và tăng ngân sách quốc phòng lên mức 2% GDP. Theo công bố của Bộ trưởng Bộ quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen, đề nghị của NATO dự kiến hướng 20% ngân sách quốc phòng cho việc trang bị thêm vũ khí – khí tài mới. Và Na Uy hiện đã vượt qua ngưỡng đó và chi tới 27% cho việc mua sắm này.

Trước tình hình này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bày tỏ lo ngại và cho rằng việc Na Uy không ngừng gia tăng ngân sách cho quốc phòng hoàn toàn nhằm vào mục tiêu là nước Nga. 

Ông Lavrov cũng cho biết ông đang lên kế hoạch để thể hiện quan điểm và những lo ngại của mình trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Na Uy, được tổ chức tại thị trấn Kirkenes, thuộc hạt Finnmark ở phía đông bắc của Na Uy vào thứ sáu ngày 25/10. 

Mặc dù vậy, ngay tại Na Uy, việc Chính phủ gia tăng ngân sách cho quốc phòng cũng đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng việc Na Uy và các nước thành viên NATO khác tăng ngân sách quốc phòng là nhằm "đối phó" Nga, tuy nhiên một số khác thì cho rằng điều này là do sức ép từ phía Mỹ.

Nhiều người dân Na Uy được hỏi coi việc tăng cường mua sắm quốc phòng để đối trọng với Nga là phản tác dụng. Thậm chí, nhiều nghị sĩ còn lên tiếng phản đối các hợp đồng quân sự Oslo đang tiến hành. Trong Thế chiến 2, Na Uy đã tránh được chiến tranh nhờ chính sách trung lập, chứ không phải chạy đua vũ trang.

“Thật đáng buồn khi Chính phủ Na Uy chỉ đang tìm cách đáp ứng những yêu cầu từ phía Mỹ. Mục tiêu của Na Uy là hạn chế thấp nhất khả năng xuất hiện các mối nguy cơ tới an ninh quốc gia từ phía Bắc. Tuy nhiên, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Na Uy đang làm mối nguy cơ này tăng lên”, lãnh đạo Đảng Xã hội Na Uy, Audun Lysbakken cho biết.

Bình luận