Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nga - Mỹ ‘đấu khẩu’ về Syria tại Hội đồng Bảo an LHQ

VOH - Trong cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ ngày 3/12 tại New York, căng thẳng giữa Nga và Mỹ leo thang khi hai bên liên tục cáo buộc lẫn nhau về tình hình chiến sự ngày càng nghiêm trọng tại Syria.

Cuộc họp diễn ra sau khi nhóm Hay'at Tahrir al-Sham (HTS), tổ chức khủng bố tiền thân là nhánh al-Qaeda tại Syria, tiến hành chiến dịch tấn công quy mô lớn chiếm thành phố Aleppo từ ngày 29/11, khiến tình hình tại Syria trở nên phức tạp.

Phó đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood chỉ trích Nga và chính phủ Syria vì gây thương vong cho dân thường trong các chiến dịch quân sự, bao gồm các cuộc tấn công vào trường học và bệnh viện.

Ông Wood nhấn mạnh, dù HTS bị liệt vào danh sách khủng bố, song điều này cũng không thể biện minh cho chiến dịch đối phó nhóm này của lực lượng Nga và chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

MPBL3VM5OVILFO4S6C4QTT2KHA_jpg(1)
Phiên họp Hội đồng Bảo an LHQ về tình hình Syria ngày 3/12/2024 - Ảnh: REUTERS

Phản ứng lại, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cáo buộc Mỹ "không đủ can đảm" để lên án rõ ràng các cuộc tấn công khủng bố của HTS nhằm vào thường dân tại Syria, đồng thời chỉ trích Washington về việc "chống khủng bố thiếu chân thành".

Phó đại sứ Mỹ Robert Wood cho rằng ông Nebenzia "không có tư cách thuyết giảng cho Mỹ về điều này", cáo buộc Nga "đang hậu thuẫn cho các bên tài trợ khủng bố". Đại diện Nga Nebenzia phản pháo cho rằng "có dấu vết" cho thấy các cơ quan tình báo Ukraine đã hỗ trợ HTS bằng cách cung cấp vũ khí và huấn luyện lực lượng phiến quân.

collage
Phó đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood (trái) và Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia (phải) - Ảnh: REUTERS

Cuộc chiến leo thang tại Syria diễn ra khi HTS và các nhóm đồng minh tiến hành cuộc tấn công lớn nhất kể từ năm 2016 nhằm chiếm Aleppo. Chính quyền Syria buộc phải tạm rút lui để tái tổ chức lực lượng và chờ chi viện trước khi phản công.

Đây là lần đầu tiên chính phủ Syria để mất Aleppo, thành phố lớn thứ hai nước này, kể từ khi nội chiến bùng nổ năm 2011. Trước đây, HTS cùng các nhóm phiến quân từng kiểm soát Aleppo và nhiều khu vực phía bắc Syria, nhưng đã bị đẩy lùi nhờ sự hỗ trợ quân sự từ Nga từ năm 2015.

Mỹ và Nga tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria với các mục tiêu đối lập. Nga hỗ trợ chính phủ Syria trong cuộc chiến chống lại các nhóm phiến quân và khủng bố, trong khi Mỹ duy trì khoảng 900 binh sĩ để hỗ trợ các lực lượng đối lập và truy quét tàn dư của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Chính quyền Syria và Nga cáo buộc Mỹ triển khai quân đội bất hợp pháp, trong khi Washington tuyên bố sẽ không rút quân cho đến khi IS bị tiêu diệt hoàn toàn.

Bình luận