Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nga sửa đổi học thuyết hạt nhân: Điểm nóng mới trong xung đột Ukraine

VOH - Ngày 19/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký phê duyệt phiên bản sửa đổi học thuyết hạt nhân, hạ thấp tiêu chuẩn sử dụng vũ khí hạt nhân.

Văn kiện mới cho phép Nga đáp trả các cuộc tấn công thông thường nếu có sự hỗ trợ từ sức mạnh hạt nhân, như việc Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ để tấn công lãnh thổ Nga.

Theo Điện Kremlin, tài liệu mang tên “Những nguyên tắc cơ bản của chính sách nhà nước về răn đe hạt nhân” đã phác thảo các tình huống Nga có thể dùng kho vũ khí hạt nhân, được mô tả là lớn nhất thế giới. Điểm nhấn là việc các hành động xâm lược thông thường, nếu đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga, cũng có thể kích hoạt phản ứng hạt nhân.

Người phát ngôn Dmitry Peskov xác nhận các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga, như vụ việc tại Bryansk ngày 19/11, hoàn toàn có thể dẫn đến phản ứng hạt nhân theo học thuyết sửa đổi. Điều này đồng nghĩa, bất kỳ hành động quân sự nào của Ukraine với sự hỗ trợ của phương Tây sẽ được coi là xâm lược chung chống lại Nga.

ANh minh hoa AFP

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars của Nga tại lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva - Ảnh: AFP

Học thuyết cũng nêu rõ các tình huống khác, như việc nhận được thông tin đáng tin cậy về vụ phóng tên lửa đạn đạo nhắm vào Nga hoặc đồng minh, hoặc việc tấn công các cơ sở quân sự quan trọng của Nga. Tài liệu mô tả vũ khí hạt nhân là "biện pháp cực đoan và bắt buộc", nhấn mạnh Nga sẽ làm mọi cách để tránh leo thang xung đột.

Tuy nhiên, sự linh hoạt trong văn kiện khiến phương Tây phải suy đoán về ý đồ thực sự của Moscow. Bà Tatiana Stanovaya, chuyên gia tại Trung tâm Carnegie, nhận định rằng Nga đang sử dụng học thuyết như một công cụ để gây áp lực, buộc phương Tây cân nhắc lại việc viện trợ vũ khí tầm xa cho Ukraine.

Trong khi đó, các nhà phân tích như Tiến sĩ Jack Watling thuộc Viện Nghiên cứu Royal United Services (Anh) cho rằng việc phương Tây cung cấp tên lửa tầm xa sẽ không kích hoạt phản ứng hạt nhân của Nga. Tuy nhiên, Moscow có thể leo thang bằng các biện pháp khác, từ phá hoại kinh tế đến quấy rối thương mại quốc tế.

Tài liệu sửa đổi xuất hiện chỉ hai ngày sau khi Mỹ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công Nga. Tổng thống Putin dường như muốn gửi đi thông điệp rõ ràng: Nga sẵn sàng leo thang nếu bị đẩy vào tình thế nguy hiểm.

Bà Stanovaya cho rằng động thái này nhằm đặt phương Tây vào thế lựa chọn giữa chiến tranh hạt nhân hoặc nhượng bộ điều kiện của Nga, đồng thời tạo áp lực lên Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bối cảnh nội bộ chính trị Mỹ đang tranh cãi gay gắt về chính sách đối ngoại với Nga.

Bình luận