Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC), gồm ba thành viên từ Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) và ba thành viên độc lập, nhiều khả năng sẽ giảm lãi suất tái mua (INREPO=ECI) xuống 6,25%, tức giảm 25 điểm cơ bản, sau khi đã duy trì mức lãi suất không đổi trong 11 cuộc họp liên tiếp.
Nếu quyết định được đưa ra, đây sẽ là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ tháng 05/2020.

Logo Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) bên trong trụ sở chính của ngân hàng tại Mumbai, Ấn Độ. - Ảnh: Reuters.
Bà Madhavi Arora, chuyên gia kinh tế trưởng tại Emkay Global Financial Services, cho biết, khi thị trường đã gần như dự báo trước động thái này, giới đầu tư sẽ tập trung theo dõi liệu ngân hàng trung ương có triển khai thêm các biện pháp khác, như chính sách thanh khoản hay không.
Bà Arora nhận định: “Ngân hàng Trung ương có thể tiếp tục thực hiện các biện pháp nới lỏng gián tiếp thông qua các công cụ chính sách phi truyền thống như chính sách thanh khoản và điều chỉnh quy định”.
Chính phủ Ấn Độ dự báo, mức tăng trưởng hàng năm đạt 6,4% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 tới, mức thấp nhất trong bốn năm qua và thấp hơn mức dự báo ban đầu, do ngành sản xuất suy yếu và đầu tư doanh nghiệp chậm lại.
Trong năm tới, mức tăng trưởng được dự kiến dao động trong khoảng 6,3-6,8%.
Tuần trước, chính phủ đã công bố các biện pháp cắt giảm thuế trong ngân sách nhằm thúc đẩy chi tiêu và tăng trưởng, đồng thời đảm bảo thâm hụt ngân sách được kiểm soát.
Bà Radhika Rao, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng DBS cho biết: “Với chính sách tài khóa mang tính thu hẹp do mục tiêu thâm hụt ngân sách thấp hơn cho năm tài khóa 2026, chính sách tiền tệ có khả năng sẽ chuyển sang hỗ trợ tăng trưởng”.
Bà Rao nhận định, dù lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu trung hạn 4% của RBI, tỷ lệ này đã giảm xuống mức thấp nhất trong bốn tháng là 5,22% vào tháng 12/2024 và dự kiến sẽ giảm dần về mức mục tiêu trong năm tài khóa tới nếu không có cú sốc nguồn cung bất ngờ.
MPC đã thay đổi lập trường chính sách sang trung lập vào tháng 10/2024 và cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (CRR) của các ngân hàng thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 12/2024 nhằm giảm căng thẳng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.