Tiêu điểm: Nhân Humanity

Những quốc gia quan trọng với nền kinh tế bị cấm vận của Nga

VOH - Nga hiện đang là quốc gia chịu nhiều lệnh trừng phạt nhất toàn cầu. Tuy nhiên nền kinh tế của họ cơ bản vẫn đứng vững, nhờ có nhiều bạn bè.

Bạn bè của Nga, không phải tất cả đều là đối thủ của phương Tây. Nhiều quốc gia thậm chí có mối quan hệ tốt, như Ấn Độ hoặc Việt Nam.

Theo chiến lược gia Sean McFate, tác giả cuốn “The New Rules of War”, Nga đang nỗ lực xây dựng mạng lưới đối tác ngoài bạn bè truyền thống Trung Quốc, Iran và Triều Tiên.

c_moscow
Kinh tế Nga cơ bản vẫn đứng vững dẫu chịu nhiều lệnh trừng phạt của phương Tây - Ảnh: CNN

Tuy nhiên điều quan trọng bậc nhất hiện nay, là duy trì sự đứng vững của nền kinh tế thời chiến trước hàng ngàn lệnh trừng phạt. Để làm được, Nga đang có 5 đối tác vô cùng quan trọng.

1. Trung Quốc

Nga – Trung duy trì mối quan hệ đặc biệt, kéo dài từ thập niên 1950. Tuy nhiên cũng có giai đoạn thăng trầm hồi chiến tranh lạnh.

Tháng 2/2022, trong chuyến thăm thủ đô Bắc Kinh để tham dự thế vận hội mùa đông, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố quan hệ Nga – Trung là không giới hạn. Trung Quốc cũng là nơi đầu tiên Tổng thống Putin tới thăm, sau khi giành chiến thắng nhiệm kỳ 5.

Đối đầu giữa Trung Quốc và phương Tây được cho có lợi với Nga. Trung Quốc cần 1 đồng minh lớn như Nga, để cân bằng chiến lược.

Về kinh tế, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng bậc nhất của Nga từ năm 2000. Năm 2023, giao thương 2 chiều tăng 26%, đạt mức kỷ lục 240 tỷ USD.

Trung Quốc cung cấp cho Nga nhiều mặt hàng quan trọng, từ đồ gia đình, thực phẩm, xe hơi đến chip lưỡng dụng dùng trong ngành công nghiệp quốc phòng. Điều này đóng vai trò lớn để Nga tiếp tục sản xuất vũ khí tiên tiến. Đổi lại, Nga xuất sang Trung Quốc dầu thô giá rẻ.

2. Ấn Độ

Quan hệ Nga – Trung dựa trên lập trường cùng đối kháng với phương Tây thì quan hệ Nga - Ấn Độ lại mang màu sắc khác, và đa dạng hơn.

Moscow là bên cung cấp thiết bị vũ khí quan trọng cho New Delhi từ thời chiến tranh lạnh. Liên Xô cũng hỗ trợ chính trị rất nhiều cho Ấn Độ, trong khi đối thủ Pakistan được Hoa Kỳ và Trung Quốc giúp đỡ.

Những năm qua, Ấn Độ nỗ lực cân bằng, nên quan hệ ngày càng gần gũi với Hoa Kỳ. Ấn Độ là thành viên bộ tứ Kim Cương, cùng với Hoa Kỳ, Úc, và Nhật Bản. Căng thẳng và đối đầu với Trung Quốc về biên giới, cũng là động lực khiến Ấn Độ duy trì quan hệ tốt với cả Nga lẫn Mỹ.

Thời gian qua, Ấn Độ nổi lên là điểm thay thế tiềm năng cho Trung Quốc trong chuỗi cung ứng linh kiện điện tử toàn cầu.

Từ khi xung đột Ukraine nổ ra, Ấn Độ tăng cường mua dầu giá rẻ từ Nga, trong bối cảnh Moscow chuyển hướng các hoạt động thương mại khỏi châu Âu. Tuy nhiên do khó khăn nội bộ, Nga không thể bán cho Ấn Độ nhiều loại vũ khí như 2 bên cam kết trước đó.

Tháng 6/2024, Thủ tướng Narendra Modi thăm Nga và gặp Tổng thống Putin. Điều này thể hiện chính sách đối ngoại độc lập và tự chủ, của quốc gia đông dân nhất hành tinh.

3. Brazil

Nga và Brazil là điển hình về mối quan hệ cùng có lợi. Nga xuất khẩu dầu mỏ và phân bón sang Brazil. Chiều ngược lại, Nga nhập khẩu từ đối tác Nam Mỹ sản phẩm nông nghiệp như đậu nành, cà phê và thịt gia cầm.

Năm 2023, thương mại song phương đạt 8,4 tỷ USD, giảm nhẹ so với gần 10 tỷ USD năm 2022.

Thời gian gần đây, Brazil trở nên quan trọng với Nga, do cả 2 cùng thuộc nhóm BRICS mà Moscow xem như đối trọng với phương Tây.

Tổng thống Brazil Lula Da Silva ủng hộ thế giới đa cực, cũng như giải pháp an toàn thay thế đồng USD trong thương mại lẫn thanh toán quốc tế. Tháng 4/2023, ông nói: “Tại sao tất cả quốc gia đều dựa vào USD trong hoạt động thương mại?”

Giảm phụ thuộc USD cũng là xu hướng Nga mong muốn, từ khi các ngân hàng nước này bị ngắt khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

4. Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Nga và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đều là lãnh đạo cứng rắn và cầm quyền lâu năm.

Hiện Nga là đối tác thương mại lớn của Thổ Nhĩ Kỳ. Có những lý do chính đáng để Thổ Nhĩ Kỳ thắt chặt quan hệ với Nga.

Nửa năm sau khi cuộc chiến Ukraine bùng phát, Tổng thống Erdogan chấp nhận lời đề nghị của người đồng cấp Putin, về việc xây dựng 1 trung tâm khí đốt tự nhiên tại Trung Đông trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, trong lúc châu Âu đang ngưng nhập khẩu khí từ Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO – định vị mình là bên trung lập trong cuộc chiến Ukraine, đã làm trung gian cho các thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ Nga và Ukraine ra thế giới, cũng như đã tổ chức đàm phán hòa bình giữa 2 nước.

Thổ Nhĩ Kỳ từng bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS – tổ chức Nga là thành viên chủ chốt. Hiện quốc gia Trung Đông đã được trao quy chế đối tác.

5. Kazakhstan

Nga và Kazakhstan cùng nằm trong Liên Xô, do đó có mối quan hệ sâu sắc trên nhiều khía cạnh. Từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, quan hệ kinh tế thương mại song phương trở nên chặt chẽ hơn.

Năm 2024, kim ngạch thương mại 2 nước đạt 27 tỷ USD, tăng gần 40% so với năm 2019 ở mức 19,7 tỷ USD.

Kazakhstan hiện bị phương Tây giám sát chặt chẽ, do nghi là điểm trung chuyển hàng hóa từ châu Âu vào Nga và ngược lại, nhằm né lệnh trừng phạt. Chính phủ Kazakhstan muốn ngăn chặn các hoạt động này, nhưng nhiều giao dịch vẫn diễn ra.

Tháng 8/2024, ông Serik Zhumangarin, phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Kazakhstan nói với Bloomberg rằng, lệnh trừng phạt Nga ảnh hưởng tới nền kinh tế của họ. Ông khẳng định Kazakhstan sẽ không tuân theo những lệnh trừng phạt một cách mù quáng, nếu tác động xấu tới công ty ở địa phương.

Bình luận