Một bản thảo đề xuất mới của chính quyền Mỹ cho thấy Tổng thống Donald Trump đang tìm cách giành quyền kiểm soát hệ thống đường ống khí đốt quan trọng của Ukraine như một phần trong thỏa thuận trao đổi viện trợ quân sự lấy tài nguyên.
Hãng tin Reuters vừa công bố nội dung bản dự thảo sau cuộc họp ngày 11/4 giữa các quan chức Mỹ và Ukraine, liên quan đến đàm phán về thỏa thuận khoáng sản. Tài liệu hé lộ một loạt yêu cầu mở rộng từ phía Washington, trong đó bao gồm quyền kiểm soát đường ống dẫn khí đốt chiến lược của Ukraine.

Đường ống này chạy từ thị trấn Sudzha (Nga) tới thành phố Uzhhorod (Ukraine), sát biên giới với Slovakia và Liên minh châu Âu. Đây là một trong những tuyến dẫn năng lượng chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và an ninh năng lượng của Ukraine. Theo đề xuất, Tổng công ty Tài chính phát triển quốc tế của Mỹ sẽ là bên trực tiếp điều hành tuyến ống.
Tháng 2 năm nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump để thảo luận việc hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản. Tuy nhiên, cuộc gặp không đạt kết quả cụ thể. Trong các lần làm việc tiếp theo, phía Mỹ liên tục gia tăng yêu cầu, không chỉ dừng lại ở việc tiếp cận kim loại quý hiếm, mà còn bao gồm dầu mỏ và khí đốt.
Ông Trump được cho là đang muốn đổi viện trợ quân sự – vốn đã bị ngưng trệ nhiều tháng – lấy quyền tiếp cận dài hạn đối với các tài nguyên năng lượng và khoáng sản quan trọng của Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền Kiev vẫn chưa đồng thuận với các điều khoản mới, cho rằng chúng thiên về lợi ích của phía Mỹ.
Phát biểu trong tuần này, Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine sẵn sàng ký kết một thỏa thuận mang lại lợi ích song phương, nhưng nhấn mạnh cần có sự công bằng. “Chúng tôi chỉ đang bảo vệ những gì thuộc về Ukraine. Một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi, với doanh thu chia đôi, là điều đúng đắn”, ông Zelensky nói.
Dù vậy, không khí đàm phán đang trở nên căng thẳng. Tuần trước, ông Trump đã chỉ trích ông Zelensky đang tìm cách “rút lui” và cảnh báo nhà lãnh đạo Ukraine có thể gặp “rắc rối lớn” nếu không chấp nhận thỏa thuận.
Trong khi Kiev đang cố gắng giữ vững lập trường, Washington vẫn tiếp tục tạo sức ép. Một số ý kiến trong chính quyền Mỹ cho rằng việc nắm quyền kiểm soát các tài sản chiến lược như đường ống khí đốt sẽ giúp Mỹ bảo vệ lợi ích lâu dài tại khu vực, đồng thời gián tiếp kiểm soát dòng chảy năng lượng từ Nga sang châu Âu.
Trong diễn biến khác liên quan đến Ukraine, chính quyền ông Trump đang đẩy nhanh nỗ lực xây dựng một thỏa thuận ngừng bắn. Đặc phái viên Steve Witkoff – người vừa có chuyến thăm Nga – tuyên bố biện pháp khả thi nhất là công nhận quyền sở hữu của Nga với 4 vùng lãnh thổ gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia. Đây là các khu vực đã bị Nga sáp nhập từ năm 2022.
Tuyên bố trên ngay lập tức gây tranh cãi. Trước đó, một đặc phái viên khác là ông Keith Kellogg từng bị cho là đề xuất chia cắt Ukraine giống như Berlin sau Thế chiến II. Sau đó, ông Kellogg phủ nhận, cho rằng ý của ông là cần thiết lập các vùng kiểm soát quốc tế nhằm giữ hòa bình sau khi có lệnh ngừng bắn.
Hiện Ukraine vẫn tiếp tục phản đối mọi giải pháp dẫn đến mất lãnh thổ, trong khi Mỹ thể hiện rõ ưu tiên về lợi ích năng lượng và thương mại khi tái thiết lập chiến lược đối ngoại tại khu vực. Các cuộc đàm phán giữa Kiev và Washington được dự báo sẽ còn kéo dài và gặp nhiều trở ngại, khi hai bên chưa tìm được điểm chung về lợi ích cốt lõi.