Chờ...

Phản ứng trái chiều về vụ WikiLeaks

Hiện nay, các nước trên thế giới đang bày tỏ phản ứng lo ngại khi WikiLeaks thông báo sẽ tiếp tục công bố các tài liệu nhạy cảm của Mỹ, không chỉ dừng ở những thông tin tình báo trong lĩnh vực quân sự, ngoại giao mà còn sang cả lĩnh vực kinh tế.
Trong tuyên bố mới nhất, nhân vật sáng lập trang mạng WikiLeaks ông Julian Assange vừa cảnh báo đợt tiết lộ các thông tin rò rỉ sắp tới - có thể là đầu năm sau, sẽ nhằm hệ thống ngân hàng lớn của Mỹ.  Chính trường Mỹ tiếp tục nóng lên sau khi WikiLeaks công khai nội dung của 250.000 văn thư ngoại giao nội bộ của Mỹ. Tại một cuộc họp báo ở thủ đô Washington, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh: "Tôi muốn nói rằng nước Mỹ lấy làm tiếc trước việc tiết lộthông tin này. Việc làm của WikiLeaks không chỉ là cuộc tấn công nhằm vào các lợi ích của Mỹ mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ các vấn đề của cộng đồng quốc tế".
Phản ứng trước việc WikiLeaks công bố các tài liệu nhạy cảm của Mỹ, Australia thông báo sẽ điều tra hình sự vụ việc này. Israel, một đồng minh khác của Mỹ cho rằng, sự cố rò rỉ không ảnh hưởng quá nhiều đến nước này. Còn Chính phủ Anh đã thẳng thừng lên án WikiLeaks. Trong khi đó, Pháp lên tiếng ủng hộ Chính phủ của Tổng thống Obama, với cam kết hỗ trợ Mỹ kiểm soát sự cố này. Bên cạnh những ý kiến lo ngại về vụ WikiLeaks đăng tải các tài liệu nhạy cảm của Mỹ, nhiều nước lại cho rằng đây là cơ hội để họ có thể thấy cái nhìn và sự đánh giá của Mỹ với các nước khác trên thế giới.