Tiêu điểm: Nhân Humanity

Pháp: Tổng đình công trên toàn quốc đòi tăng lương

(VOH) - Ngày 18/10, các nghiệp đoàn ở Pháp đã bắt đầu cuộc đình công quy mô lớn trên toàn quốc, yêu cầu tăng lương trong bối cảnh lạm phát tăng vọt.

Đây là một trong những thách thức lớn nhất của Tổng thống Emmanuel Macron kể từ khi tái đắc cử vào tháng 5 năm nay.

Phong trào đình công trên toàn quốc ngày 18/10 dự kiến chủ yếu ảnh hưởng đến các lĩnh vực công cộng như trường học và giao thông; và bắt nguồn từ các đợt đình công kéo dài nhiều tuần qua ở các công ty và tập đoàn năng lượng lớn ở Pháp, khiến hoạt động cung ứng xăng dầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các phương tiện xếp hàng dài chờ mua xăng, trong khi nhiều trạm xăng phải tạm dừng hoạt động vì không đủ hàng bán cho người dân.

Pháp: Tổng đình công trên toàn quốc bắt đầu
Học sinh đứng chặn lối vào trường trung học Lycee Montaigne để biểu tình tại Paris, ngày 18/10/2022. Ảnh: Reuters

Đại diện CGT - một trong những nghiệp đoàn lớn nhất tại Pháp cho biết, mục đích đình công là để đòi tăng 10% lương gồm 7% để bù đắp chi phí sinh hoạt do lạm phát tăng cao và 3% là để "chia sẻ lợi nhuận khổng lồ" có được do giá dầu tăng cao trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, đây còn là động thái phản đối cách xử lý mạnh tay của chính phủ đối với các cuộc đình công. 

Trước đó, chính phủ Pháp đã sử dụng quyền hạn khẩn cấp để buộc một số công nhân nhà máy lọc dầu đang đình công trở lại làm việc hoặc đối mặt với việc bị truy tố khi phong tỏa các cơ sở lọc dầu.

Đình công tiếp tục lan rộng tại Pháp

Hiện phong trào đình công tại tập đoàn dầu khí TotalEnergies đã kéo dài sang tuần lễ thứ tư vì chưa đạt được thỏa thuận tăng lương với CGT. Tập đoàn này đã thỏa thuận thành công việc tăng 7% lương với một số nghiệp đoàn khác, nhưng với CGT và mức tăng 10% thì vẫn chưa đi đến thống nhất.

TotalEnergies vận hành một mạng lưới khoảng 3.500 trạm bơm xăng trên khắp nước Pháp, tương đương gần 1/3 tổng số trạm xăng của nước này.

Pháp: Tổng đình công trên toàn quốc bắt đầu
Các phương tiện xếp hàng dài chờ mua xăng tại một trạm xăng của TotalEnergies gần Lyon, Pháp, ngày 10/10/2022. Ảnh: AFP

Ảnh hưởng dây chuyền từ các cuộc đình công đã tác động lớn đến các hoạt động khác trong đời sống. Hãng vận tải đường sắt Eurostar cho biết nhiều chuyến tàu đến và đi giữa London (Anh) và Paris (Pháp) đã phải hủy. Công ty đường sắt quốc gia SNCF của Pháp cũng thông báo lưu lượng khai thác nội địa giảm 50%, tuy nhiên chưa có sự cố gián đoạn nào đáng kể trên các tuyến khai thác chính.

Khi căng thẳng gia tăng tại Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai của khu vực đồng tiền chung Eurozone vì lạm phát cao, phong trào đình công đã tràn sang các lĩnh vực khác của ngành năng lượng, kể cả tại tập đoàn hạt nhân khổng lồ EDF, nơi chịu trách nhiệm bảo trì nguồn cung cấp điện của châu Âu.

Hãng tin Reuters dẫn lời một đại diện của liên minh FNME-CGT cho biết các cuộc đình công đang ảnh hưởng đến hoạt động tại 10 nhà máy điện hạt nhân của Pháp, khiến sản lượng điện của quốc gia này giảm tổng cộng 2,2 gigawatt.

Đại diện công đoàn của công nhân viên chức cũng đã kêu gọi người lao động tham gia cuộc đình công ngày 18/10, với khả năng gây gián đoạn hoạt động tại trường học và các cơ sở công cộng khác.

Trước đó vào ngày 16/10, hàng ngàn người ở thủ đô Paris đã xuống đường tuần hành phản đối giá cả các mặt hàng tăng vọt. Trong số những người tham gia tuần hành có lãnh đạo đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (La France Insoumise) Jean-Luc Melenchon và nữ nhà văn vừa chiến thắng giải Nobel Văn học năm nay, Annie Ernaux.

Bình luận