Tiêu điểm: Nhân Humanity

Phiến quân tại Gaza bắn rocket vào Israel

(VOH) – Dân quân Palestine tại Dải Gaza đã phóng rocket nhằm vào Israel hôm 15/9, làm bị thương hai người, trùng thời điểm thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và UAE, Bahrain được ký tại Mỹ

Người Palestine phản đối các thỏa thuận với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Bahrain, coi đó là sự phản bội bởi các nước Ả Rập đã đồng ý công nhận Israel nhưng thiếu sự đảm bảo việc nhượng bộ lãnh thổ.

Cờ Mỹ, Israel, UAE và Bahrain được chiếu lên tường Thành cổ Jerusalem. Ảnh: AP

Quân đội Israel cho biết hai quả rocket xuất phát từ Gaza và một trong đó được đánh chặn bởi không quân Israel. Vào đầu ngày 15/9, quân đội nói rằng còi báo động tên lửa đã hụ lên tại hai thành phố Ashdod và Ashkelon, nằm ở phía nam Israel gần Dải Gaza.

Phiến quân Hồi giáo Hamas đã cai trị Gaza kể từ năm 2007, khi chiếm quyền lực từ Chính phủ Palestine được quốc tế hậu thuẫn. Israel và Ai Cập khi đó đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt cho khu vực này.

Có một số nhóm phiến quân Palestine hoạt động tại Gaza, nhưng Israel cho rằng Hamas đứng đằng sau tất cả các vụ tấn công và thường phản ứng với các vụ phóng tên lửa bằng các cuộc không kích vào các mục tiêu của nhóm này.

Israel và Hamas đã trải qua ba cuộc chiến với nhau và một số cuộc giao tranh nhỏ kể từ năm 2007. Ai Cập và Qatar đã làm trung gian để đạt được một lệnh ngừng bắn không chính thức trong những năm gần đây, theo đó Hamas đã hạn chế các cuộc tấn công bằng tên lửa để đổi lấy viện trợ kinh tế và nới lỏng phong tỏa, nhưng thỏa thuận đã bị vi phạm một vài lần.

Israel đã chấp thuận thỏa thuận về bình thường hóa quan hệ với thêm hai quốc gia Ả Rập khác là UAE và Bahrain, là quốc gia thứ 3 và thứ 4 sau Ai Cập và Jordan thừa nhận Israel. Tòa thị chính ở Tel Aviv đã được thắp sáng với từ "hòa bình" bằng tiếng Anh, tiếng Do Thái và tiếng Ả Rập.

Tại Jerusalem, các nhà chức trách đã chiếu cờ của Mỹ, Israel, UAE và Bahrain trên các bức tường của Thành phố Cổ.

Thành phố Cổ, nơi có các thánh địa thiêng liêng đối với người Do Thái, Cơ đốc giáo và Hồi giáo, là một phần của phía đông Jerusalem, nơi bị Israel chiếm giữ trong cuộc chiến năm 1967 và sau đó sáp nhập. Người Palestine muốn đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai của họ.

Hiện đang có nhiều ý kiến trái ngược nhau về ý nghĩa của thỏa thuận bình thường hóa quan hệ này ngay tại Jerusalem.

Xem thêm:

Bình luận