Vào ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ công bố các quốc gia và sản phẩm mà ông sẽ nhắm tới để áp dụng đợt thuế quan mới nhằm khuyến khích sản xuất trong nước và thuyết phục các quốc gia khác mua nhiều hàng hóa của Mỹ hơn.
Việt Nam - quốc gia có thặng dư thương mại 123,5 tỷ đô la với Mỹ, là một trong những mục tiêu chính của chính sách thuế trên - theo phân tích của Reuters.

Nike là một trong số nhiều thương hiệu đồ thể thao phụ thuộc nhiều vào Việt Nam bởi đây là địa điểm sản xuất của hãng. Mức thuế quan cao hơn sẽ buộc công ty phải chịu thêm chi phí hoặc tăng giá vào thời điểm hãng đang giảm giá một số mặt hàng để giải phóng hàng tồn kho.
Theo báo cáo thường niên, Nike đã sản xuất 50% giày dép và 28% hàng may mặc tại Việt Nam trong năm tài chính 2024. Đối thủ Adidas ít bị ảnh hưởng hơn nhưng cũng phụ thuộc vào Việt Nam về 39% lượng giày dép và 18% hàng may mặc.
Theo tính toán, mức thuế trung bình của Mỹ đối với giày dép từ Việt Nam là 13,6%, trong khi mức thuế đối với hàng may mặc là 18,8% dựa trên dữ liệu thương mại tháng 1/2025 của Sheng Lu, giáo sư nghiên cứu thời trang tại Đại học Delaware.
"Nếu thuế quan được áp dụng thì Nike sẽ gặp vấn đề", nhà phân tích David Swartz của Morningstar cho biết.
Nike và Adidas không phải là những công ty duy nhất bị ảnh hưởng bởi Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất giày chạy bộ công nghệ cao, đồ thể thao và trang phục ngoài trời khi các thương hiệu tìm cách giảm ‘sự tiếp xúc’ với Trung Quốc.
Lululemon - đồ thể thao Columbia và Amer Sports - công ty sở hữu Salomon và Arc'Teryx, coi Việt Nam là quốc gia sản xuất hàng đầu.
Nhưng mức thuế quan tiềm tàng của tổng thống Trump xuất hiện vào thời điểm quan trọng đối với Nike. Hãng này gần đây đã mất thị phần vào tay các đối thủ được coi là mới mẻ và sáng tạo hơn như On và Hoka.
Một số thương hiệu đồ thể thao nhỏ hơn, trẻ hơn thậm chí còn ‘phụ thuộc’ nhiều hơn vào Việt Nam. Thương hiệu chạy bộ phát triển nhanh On vào năm 2024 đã lấy 90% giày và 60% trang phục và phụ kiện từ Việt Nam.
Beth Goldstein, nhà phân tích ngành giày dép tại công ty nghiên cứu thị trường Circana cho biết, giá giày thể thao trung bình tại Mỹ đã tăng 25% kể từ năm 2019, một phần là do chi phí sản xuất tăng.
Trong khi doanh số bán giày chạy bộ tại Mỹ đã tăng 16% lên 7,4 tỷ đô la kể từ năm 2021, theo Dịch vụ theo dõi người tiêu dùng của Circana, thì niềm tin của người tiêu dùng Mỹ gần đây đã chạm mức thấp nhất trong 4 năm, cho thấy việc tăng giá thêm nữa có thể khó chấp nhận.
Việc chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam không phải là vấn đề đơn giản. Các nước Đông Nam Á khác, như Campuchia và Indonesia, cũng có thể phải đối mặt với thuế quan và chi phí sản xuất tại đó đã tăng lên – theo Reuters.