Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tàu du lịch lớn nhất thế giới gây lo ngại về môi trường

VOH - Ngày 27/1, tàu du lịch lớn nhất thế giới "Icon of the Seas" của Tập đoàn Tàu biển Royal Caribbean khởi hành chuyến đi đầu tiên.

Ngay lập tức,  các tổ chức hoạt động vì môi trường lo ngại rằng tàu chạy bằng khí đốt tự nhiên hóa lỏng, và các tàu du lịch khổng lồ khác theo sau, sẽ gây rò rỉ khí metan có hại vào khí quyển.

Con tàu có chiều dài hơn chiều cao của Tháp Eiffel, cao 20 tầng, có thể chứa hơn 8.000 hành khách và thủy thủ đoàn và có trọng lượng 1/4 triệu tấn.

Nhiều nghiên cứu khác nhau của các tổ chức môi trường, so sánh lượng khí thải carbon của một kỳ nghỉ kéo dài một tuần trên con tàu du lịch châu  u với việc đi máy bay và ở trong khách sạn, kết luận rằng những chuyến du lịch như vậy tăng lượng carbon nhiều gấp 8 lần.

Tàu du lịch lớn nhất thế giới gây lo ngại về môi trường 1

Ảnh: Royal Caribbean

Tàu được chế tạo để chạy bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), được cho là khí đốt sạch hơn nhiên liệu hàng hải truyền thống nhưng gây ra rủi ro lớn hơn về phát thải khí metan.

Các nhóm môi trường cho rằng việc rò rỉ khí metan từ động cơ tàu là một nguy cơ không thể chấp nhận được đối với môi trường vì những tác động có hại ngắn hạn của nó.

Ông Bryan Comer - Giám đốc Chương trình Hàng hải tại Hội đồng Quốc tế về Giao thông Sạch (ICCT), một tổ chức nghiên cứu về chính sách môi trường, cho biết việc sử dụng nhiên liệu như vậy cho thấy đây là ngành công nghiệp đang "đầu tư vào các giải pháp khí hậu sai lầm".

Việc sử dụng LNG thay vì các nhiên liệu hàng hải khác giúp giảm 1/4 lượng khí thải carbon dioxide. Nhưng nhìn chung, một tàu du lịch sử dụng LNG thải ra nhiều khí thải nhà kính hơn do hiện tượng gọi là "thoát khí metan".

Đó là khi nhiên liệu không được cháy hết trong động cơ của tàu, dẫn đến phát thải khí metan, một loại khí mạnh hơn nhiều so với carbon dioxide. Khí metan giữ nhiệt lượng gấp khoảng 80 lần so với CO2 trong suốt 20 năm sau khi nó được thải vào khí quyển.

Bryan Comer nói rằng các tàu nên sử dụng pin nhiên liệu và hydro hoặc methanol tái tạo để thải ra ít khí nhà kính hơn.

Theo Marcie Keever, thuộc tổ chức Friends of the Earth US (tổ chức môi trường phi chính phủ): "Với việc đóng những siêu tàu như thế này và sử dụng LNG, ngành du lịch tàu biển đang đi sai hướng. Các tàu lớn hơn đòi hỏi nhiều cơ sở hạ tầng hơn tại các cảng, phá hủy các rạn san hô và hệ sinh thái để chứa chúng".

Bình luận