Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thất bại của đảng cầm quyền Hàn Quốc phủ bóng đen lên mối quan hệ với Nhật

VOH - Nhiều ý kiến nhận định, thất bại của đảng cầm quyền Hàn Quốc trong cuộc bầu cử khó ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ với Nhật Bản, nhưng tạo ra trở ngại cho cải thiện quan hệ song phương.

Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) của Tổng thống Yoon Suk-yeol đã giành được 108 trong số 300 ghế tại Quốc hội, giảm so với 114 ghế hiện tại, tổn thất ít nghiêm trọng hơn so với dự đoán.

Đảng của Tổng thống Yoon vừa chịu thất bại lớn sau kỳ bầu cử Quốc hội - Ảnh: Korea Times
Đảng của Tổng thống Yoon vừa chịu thất bại lớn sau kỳ bầu cử Quốc hội - Ảnh: Korea Times

Trong khi đó, hai đảng đối lập lớn nhất – Đảng Dân chủ của ông Lee Jae-myung và Đảng Tái thiết Hàn Quốc của cựu Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk – không đạt được thế đa số 2/3 cần thiết để luận tội ông Yoon. Ông Lee Jae-myung và đảng Dân chủ có quan điểm tương đối cứng rắn với Nhật Bản, nhất là các vấn đề về lịch sử.

Chính quyền của ông Yoon bị mắc kẹt khi giữ thế thiểu số trong Quốc hội từ khi nhậm chức năm 2022. Không giống chính sách đối nội, phải thông qua Quốc hội, ông Yoon tương đối tự do về đối ngoại.

Lãnh đạo đương nhiệm Hàn Quốc rất tin tưởng vào cải thiện quan hệ với Nhật. Chính sách của Seoul với Tokyo dường như không có sự thay đổi sau bầu cử. Ngay cả khi làm việc với thế thiểu số trong cơ quan lập pháp, chính phủ đã khôi phục thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Nhật Bản sau 8 năm gián đoạn.

Tokyo phản ứng lại bằng cách đưa Hàn Quốc trở lại danh sách “Nhóm A” về thương mại, nhằm khôi phục ưu đãi xuất khẩu, sau khi áp đặt hạn chế vào năm 2019, trong thời kỳ căng thẳng ngoại giao.

Ông Ahn Ki-hyun, giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hàn Quốc cho biết: “Theo các biện pháp hạn chế xuất khẩu, chúng tôi thấy rằng mối quan hệ bị tổn hại là không tốt cho cả hai nước. Tôi nghĩ cả đảng cầm quyền lẫn phe đối lập đều không muốn làm tổn hại đến mối quan hệ quan trọng này.”

Nguyên nhân chính gây ra xích mích giữa Seoul và Tokyo, là việc bồi thường cho người Hàn Quốc bị buộc phải làm việc cho công ty Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai. Từ năm 2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc giữ nguyên một số phán quyết, yêu cầu công ty Nhật bồi thường.

Chính quyền của ông Yoon thừa nhận quan điểm của Nhật Bản rằng, những khiếu nại này đã được giải quyết bằng hiệp ước năm 1965 giữa hai nước, sau đó đề xuất thành lập một quỹ do chính phủ hậu thuẫn, để bồi thường các nguyên đơn. Một số người Hàn Quốc chỉ trích đây là sự thỏa hiệp một chiều, văn phòng tổng thống đã sử dụng quyền hạn của mình để đơn phương thúc đẩy kế hoạch.

Tổng thống Hàn Quốc bị giới hạn trong một nhiệm kỳ 5 năm, điều này khiến họ dễ mất bớt quyền lực sau nửa nhiệm kỳ, nếu thất bại trong bầu cử Quốc hội. Thất bại của ông Yoon trong kỳ bầu cử vừa qua, có thể khiến khu vực công và tư nhân ít muốn hợp tác với ông hơn, do quá trình chuyển giao quyền lực có thể diễn ra sớm hơn.

Quỹ bồi thường cho các nạn nhân chiến tranh ở Hàn Quốc hiện đã cạn. Đến nay chỉ có gã khổng lồ thép POSCO đóng góp. Việc tài trợ có thể trở nên khó khăn hơn, nếu các công ty tránh xa chính quyền.

Những khoản thanh toán cũng bị trì hoãn, do một số nguyên đơn từ chối nhận tiền. Nếu đảng của ông Yoon thắng cử, họ có thể thông qua cơ quan lập pháp, để thành lập một nền tảng mới nhằm giải quyết triệt để vấn đề. Nhưng con đường này dường như đã đóng lại sau thất bại vừa qua.

Chiến thắng của phe đối lập, có thể gây áp lực buộc chính quyền phải thay đổi quan hệ với Nhật Bản.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, Đảng Dân chủ đã yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường trực tiếp cho lao động thời chiến, đồng thời chỉ trích chính phủ của ông Yoon không đi theo con đường đó.

Các nhà lập pháp đối lập cũng cho rằng, mở rộng hợp tác an ninh với Nhật Bản và Mỹ, đang làm gia tăng căng thẳng với Triều Tiên.

Năm 2016, Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là bà Park Geun-hye, đã ký một thỏa thuận tình báo song phương với Nhật Bản, ngay trước khi bà bị luận tội. Thỏa thuận này đã trở thành điểm gây tranh cãi giữa những người bảo thủ và cấp tiến. Chính quyền của người kế nhiệm bà Park, là ông Moon Jae-in, đã có lúc tuyên bố muốn rút khỏi.

Theo giới quan sát, ngay cả khi ông Yoon duy trì các chính sách ngoại giao và an ninh hiện tại trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, không có gì đảm bảo tổng thống tiếp theo cũng như vậy. Điều này sẽ tạo thêm rắc rối cho môi trường an ninh vốn đã đầy trở ngại tại Đông Bắc Á.

Bình luận