Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thông điệp của Nga sau vụ tấn công bằng tên lửa siêu thanh thế hệ mới

VOH - Qua vụ tấn công bằng tên lửa Oreshnik, Nga gửi thông điệp đơn giản nhưng cứng rắn tới phương Tây, đó là “hãy lùi lại”, nếu không Moscow sẽ thực hiện quyền tấn công các cơ sở quân sự của Mỹ và Anh.

Ngày 21/11, Nga phóng một tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung thế hệ mới, được gọi là Oreshnik, vào Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định đây là hành động đáp trả trực tiếp sau các vụ tấn công của Ukraine bằng tên lửa của Mỹ và Anh nhằm vào lãnh thổ Nga.

Ông Putin cảnh báo rằng xung đột ở Ukraine đang tiến gần tới một cuộc chiến toàn cầu, đồng thời tuyên bố Nga có quyền tấn công các cơ sở quân sự của các quốc gia cung cấp vũ khí cho Ukraine tấn công Nga, cụ thể là Mỹ và Anh.

Cựu cố vấn Điện Kremlin, ông Sergei Markov, nhận định: "Ông Putin đang muốn gửi đến phương Tây thông điệp rằng hãy dừng lại và rút lui. Nga coi các cuộc tấn công này là biểu hiện của việc Mỹ và Anh tham gia trực tiếp vào chiến tranh chống lại Nga. Tuy nhiên, Moscow chưa sử dụng toàn bộ khả năng đáp trả vì những hành động này không thể thay đổi cục diện chiến sự".

Một nguồn tin giấu tên tiết lộ ông Putin không muốn leo thang căng thẳng thêm nữa, mặc dù khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn chưa bị loại trừ hoàn toàn.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa do Mỹ cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, đáp trả sự hiện diện quân sự của Triều Tiên tại Nga. Quyết định này được đưa ra sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11.

Các quan chức Nga cho rằng động thái của ông Biden là một hành động liều lĩnh của chính quyền sắp mãn nhiệm, nhằm tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn để ông Trump phải đối mặt khi nhậm chức.

Đồng thời điều này cũng đặt Tổng thống Nga Putin vào thế khó: nếu leo thang, Nga có nguy cơ châm ngòi cho khủng hoảng lớn; nhưng nếu không, phương Tây có thể xem đó là dấu hiệu yếu đuối và tiếp tục vượt qua các lằn ranh đỏ của Nga.

5V6OJ3N34VIPNF3ION2EVHDHGE_jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong lần phát biểu trên truyền hình liên quan đến xung đột ở Ukraine, ngày 21/11/2024 - Ảnh: REUTERS

Trước đó, ông Putin từng cảnh báo rằng Moscow có thể điều chỉnh học thuyết hạt nhân để đáp trả các cuộc tấn công từ phương Tây bằng vũ khí thông thường.

Sau vụ Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga ngày 19/11, Nga đã hạ thấp ngưỡng kích hoạt học thuyết hạt nhân. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cho biết Mỹ không thay đổi tư thế hạt nhân của mình và cũng không thấy thay đổi từ phía Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, Nga sẽ phản ứng trước các "hành động liều lĩnh" từ phương Tây. Ông Putin cũng cảnh báo rằng kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ tại châu Âu và châu Á có thể buộc Nga thực hiện các biện pháp tương tự.

IC3CG64ML5N5VM2OJNQO6DABTM_jpg
Một ngôi nhà ở thành phố Dnipro, Ukraine bị hư hại sau cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik của Nga, ngày 21/11/2024 - Ảnh REUTERS

Theo chuyên gia Jon Wolfsthal, cựu trợ lý đặc biệt của Tổng thống Obama, ông Putin dường như đang dựa vào các vũ khí chiến lược như tên lửa hạt nhân và tầm xa để gây sức ép với Mỹ và NATO nhằm ngừng hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, ông Putin không có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân, thay vào đó muốn tăng áp lực tâm lý, đặc biệt khi ông Trump có thể rút viện trợ cho Ukraine nếu nhậm chức.

Cuộc tấn công ngày 19/11 của Ukraine không gây thiệt hại nghiêm trọng, nhưng vụ phóng tên lửa Storm Shadow của Anh vào ngày 20/11 đã khiến Nga tổn thất tại khu vực Kursk.

Việc sử dụng tên lửa Oreshnik là lời cảnh báo mạnh mẽ nhưng cũng được tính toán kỹ lưỡng từ phía Nga. Ông Peskov tiết lộ Nga đã thông báo trước cho Mỹ 30 phút dù không bắt buộc, nhằm tránh leo thang không cần thiết.

Bình luận